Banner

Hơn 16,8 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu

Tính đến sáng 29/7, trên thế giới đã ghi nhận hơn 16,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 661.000 người đã tử vong vì đại dịch này.

 

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới chuẩn bị chạm mốc 17 triệu người. (Ảnh: AP)

 

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với gần 4,5 triệu ca nhiễm và hơn 152.000 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận trên 51.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Trong khi đó, hơn 2,1 triệu bệnh nhân tại Mỹ đã bình phục và xuất viện.

 

Tại tâm dịch lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên hơn 2,4 triệu trường hợp, 88.400 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trong ngày qua, hơn 37.400 người đã bị lây nhiễm bệnh tại Brazil.

 

Ấn Độ đứng sau Mỹ về số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua với hơn 49.600 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên trên 1,5 triệu bệnh nhân. Đến thời điểm này, đã có hơn 34.200 người tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này.

 

Kiểm tra thân nhiệt tại Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP)

 

Tại châu Âu, Văn phòng Báo chí Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga Rospotrebnadzor cho biết, hiện nước này có trên 261.700 người đang được giám sát y tế do nghi nhiễm hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong toàn bộ thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Nga đã thực hiện hơn 27,3 triệu xét nghiệm và hiện khoảng 185.000 xét nghiệm/ngày.

 

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, đã bày tỏ sự lo ngại về số ca nhiễm gia tăng. Chỉ trong 7 ngày qua, Đức ghi nhận thêm trung bình trên 500 ca nhiễm mới/ngày, tăng so với 350 ca/ngày vào đầu tháng 6. Cho đến nay, Đức xác nhận gần 208.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có trên 9.200 ca tử vong.

 

Ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Đức cập nhật khuyến cáo về du lịch, trong đó đề nghị công dân nước này không đi du lịch tới 3 vùng ở miền Bắc Tây Ban Nha vốn đang chật vật đối phó với dịch bệnh bùng phát trở lại.

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Mamming, Đức. (Ảnh: AP)

 

Để phòng dịch bệnh lây lan, chính quyền khu vực thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang toàn bộ thời gian trong ngày. Ngoài ra, chính quyền Madrid cũng sẽ tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay.

 

Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo, từ ngày 29/7, sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng kín.

 

Tại châu Á, ngày 28/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca mới tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng gần 84.000 ca nhiễm và hơn 4.600 trường hợp tử vong. Do ổ dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh đã lan ra nhiều tỉnh khác, chính quyền địa phương phải áp đặt trở lại các hạn chế.

 

Trong bối cảnh các ca nhập cảnh ở Hàn Quốc tăng đột biến, Chính phủ nước này đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân COVID-19 là người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị. Ngày 28/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 28 ca mới, trong đó có 23 trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số ca tại nước này lên hơn 14.200 người. Hiện số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại đây tăng thêm 1 ca, lên 300 trường hợp.

 

Người dân Indonesia đeo khẩu trang chống dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia. Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, trong ngày 28/7, nước này phát hiện thêm hơn 1.700 ca mới, nâng tổng số lên trên 102.000 trường hợp, trong khi số ca tử vong tăng lên hơn 4.900 người. Số người mắc trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này hiện ở mức trên 1.500 trường hợp. Trong khi đó, các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao ngày càng gia tăng, lên 53 khu vực vào tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó. Tổng thống Joko Widodo cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.

 

Tại châu Phi, số ca nhiễm đang tiến tới mức 1 triệu ca, trong khi giới chuyên gia cảnh báo, tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ tồi tệ hơn tại "lục địa đen" vốn đang chật vật vì hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực kinh tế hạn hẹp. Theo hãng tin AFP, tính đến ngày 28/7, các quốc gia châu Phi ghi nhận tổng cộng hơn 850.000 ca nhiễm và ít nhất 18.000 ca tử vong. Chuyên gia Mary Stephens tại Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi cảnh báo, châu Phi chưa đạt đến đỉnh dịch, đồng thời lưu ý "tất cả các nước tại đây đang gặp rủi ro bởi hệ thống y tế khá yếu kém".

 

Người dân Iran đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách. (Ảnh: AP)

 

Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo đã ghi nhận số người tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 235 ca không qua khỏi. Theo đó, tổng số người tử vong tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất Trung Đông này tăng lên hơn 16.000 người trong số trên 296.000 ca nhiễm. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran lưu ý tình hình dịch đáng lo ngại khi số ca nhập viện mỗi ngày đang tiến tới mốc ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3 vừa qua.

 

Nhiều người cho rằng, virus SARS-CoV-2 khó phát triển vào mùa hè. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng ngày 28/7 cho rằng, sự lây lan của virus này dường như không bị ảnh hưởng bởi mùa nóng hay mùa lạnh và cảnh báo, đây là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris, cho biết, dường như sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa khi một số quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện ở vào các mùa khác nhau trong năm. Điển hình như Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh, đang là mùa hè, trong khi Brazil, quốc gia đứng ngay sau Mỹ về số ca nhiễm và tử vong, lại đang trong mùa đông.

 

Chiều tối 28/7, nước ta đã có thêm 7 ca nhiễm COVID-19 mới tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Trong đó, có 1 bệnh nhân từng tham dự tiệc cưới tại Trung tâm For You Place, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; 1 bệnh nhân sinh sống ở quận Sơn Trà, từng điều trị tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an). Những bệnh nhân còn lại là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Như vậy tổng số ca mắc COVID-19 đến thời điểm này ở Việt Nam là 438 người. Trong đó, 369 người đã được điều trị khỏi.

 

Theo VTV.VN