Banner

EU xin lỗi Italy, tung ra “kế hoạch Marshall” mới đối phó Covid-19

Sau nhiều ngày bị chỉ trích là chưa quyết liệt trợ giúp các nước thành viên đối phó với Covid-19, EU giờ đã bắt đầu tăng tốc hành động.

 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/4 công bố một gói các cứu trợ tài chính khổng lồ nhằm cứu các nước thành viên khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và trước đó có bài viết trên báo Italy xin lỗi vì đã thiếu sự tương trợ với nước này.

 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP


Phát biểu trong buổi họp báo tại Brussels chiều 2/4, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố, Uỷ ban châu Âu nhận thức được sự chờ đợi từ các nước thành viên về một kế hoạch có tầm cỡ lịch sử như kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và cho rằng, ngân sách châu Âu chính là một “kế hoạch Marshall” mới.

 

“Cho đến hiện tại, Liên minh châu Âu, bao gồm các Cơ quan của châu Âu và các quốc gia thành viên, đã huy động được 2.770 tỷ euro. Đây là câu trả lời lớn nhất từ trước đến nay cho một cuộc khủng hoảng châu Âu. Nhiều người đang kêu gọi về một điều gì đó giống như “kế hoạch Marshall” và tôi nghĩ ngân sách châu Âu chính là kế hoạch Marshall mà tất cả chúng ta cùng lập nên cho người dân châu Âu”, bà Leyen nói.

 

Phát biểu của bà Ursula von der Leyen cho thấy, nhiều khả năng EU và các nước thành viên đã bước đầu đạt được sự đồng thuận về việc sẽ gia tăng ngân sách của khối này trong giai đoạn 2021-2027 nhằm giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19.

 

Giải pháp này có thể xem là để thay thế cho đề xuất về “trái phiếu corona” đang gây mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm nước, một bên là các nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp  với một bên là Đức, Hà Lan, Áo, Phần Lan liên quan đến việc phát hành trái phiếu ghi nợ chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu- eurozone.

 

Chính vì các mâu thuẫn này, trong ngày 2/4, bà Ursula von der Leyen đã phải đăng một lá thư trên tờ nhật báo “Nền Cộng hoà” (La Reppublica) của Italy để xin lỗi Italy vì đã thiếu sự đoàn kết, tương trợ, đồng thời chỉ trích một số nước đã hành động ích kỷ.

 

Nếu giải pháp mới là tăng ngân sách châu Âu được thông qua, ngân sách EU trong giai đoạn từ 2021-2027 sẽ cao hơn nhiều so với mức dự kiến ban đầu là vào khoảng 1.100 tỷ euro.  Hồi đầu năm nay, do các nước bất đồng nên dự thảo ngân sách này vẫn chưa được thông qua.

 

Ngoài “kế hoạch Marshall” về ngân sách, bà Ursula von der Leyen cũng đã công bố chính sách cứu trợ trị giá 100 tỷ euro mang tên “Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp” (Sure).

 

Theo chính sách này, EU đề nghị tất cả các nước thành viên áp dụng mô hình việc làm thời gian ngắn của Đức, trong đó các doanh nghiệp sẽ chỉ cắt bớt giờ làm của người lao động chứ không sa thải. Phần thu nhập bị thiếu hụt của người lao động sẽ được các chính phủ bù đắp.

 

Việc này sẽ ngăn nguy cơ sa thải hàng loạt trong giai đoạn khủng hoảng. Ngoài ra, chính sách này cũng sẽ giúp các nông dân và ngư dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tín dụng./.

 

Theo VOV.VN