Banner

“Chảo lửa” Idlib nóng lên, Thổ Nhĩ Kỳ tính “chơi chiêu” gì với Nga?

Tính toán của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và của Chính phủ Syria khiến tình hình chiến sự ở Idlib được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp trong thời gian sắp tới.


Cánh cửa cho một giải pháp chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dường như đang bị thu hẹp khi lực lượng Chính phủ Syria đang đẩy mạnh nỗ lực giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib – thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Giao tranh ở Idlib đã khiến ít nhất 13 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng chỉ trong vòng một tuần qua.

 

Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm giữ vững lực lượng trên thực địa bằng mọi giá, kể cả sau cuộc tấn công của quân đội Syria ngày 10/2 giết chết 5 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và làm bị thương 5 người khác.

 

Tình hình thực địa nóng bỏng

 

Lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad được sự yểm trợ của không quân đang tiếp tục tiến về phía trung tâm Idlib qua thị trấn chiến lược Saraqib vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của họ từ tuần trước. Từ phía Tây Aleppo, lực lượng dân quân thân Iran cũng đang hướng về Idlib.

 

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đều đặn tăng cường sự hiện diện của quân đội trên thực địa. Tính đến ngày 10/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động hơn 100 đoàn xe quân sự đến khu vực. Trong nỗ lực củng cố thế phòng thủ của Idlib từ mặt trận phía nam và phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự tích tụ quân sự lớn nhất trong khu vực kể từ năm 2011. Hiện tại, số lượng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện trong khu vực lên tới con số 9.000 với một lữ đoàn xe bọc thép, hai lữ đoàn bộ binh cơ giới và lực lượng đặc nhiệm được trang bị pháo phản lực và các bệ phóng tên lửa.

 

Để đối phó với những động thái tích tụ quân sự ngày càng tăng của Ankara trong khu vực, lực lượng của Tổng thống Assad ngày 10/2 đã tấn công một cơ sở quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Taftanaz ở Tây Bắc Syria, giết chết 5 binh lính và làm bị thương 5 người khác. Như vậy, số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng sau các cuộc tấn công của quân Chính phủ Syria đã lên tới 13, bao gồm cả vụ tấn công gần Saraqib hôm 3/2 làm 8 lính Thổ thiệt mạng.

 

Số lượng các cơ sở quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria bao vây cũng tăng lên con số 7. Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 cơ sở quân sự bên trong và xung quanh Idlib như một phần của thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng giữa Ankara và Moscow năm 2018.

 

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ

 

Bất chấp những cuộc đối đầu chết người như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng giữ quân đội trong khu vực? Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ rất đơn giản: tăng cường hiện diện quân sự bên trong và xung quanh Idlib để tạo sức ép ngoại giao buộc Nga phải hành động để ép chính quyền Tổng thống Assad không đánh Idlib.


Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt 101 mục tiêu Syria, đáp trả tấn công ở Idlib

 

VOV.VN - Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng chính phủ Syria tấn công một tiền đồn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, khiến 10 người thương vong.

 

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vấn đề Idlib cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán đầy cam go. Do đó, trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình ở các khu vực khác của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng quân tại cả một khu vực khác – nơi không phận không bị kiểm soát.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới việc đạt được 2 mục tiêu bằng chiến lược đầy rủi ro. Đầu tiên họ đang cố gắng buộc Nga phải thiết lập một cơ chế đàm phán mới cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib. Thứ hai, một khi đàm phán diễn ra, Ankara có kế hoạch yêu cầu Moscow đảm bảo rằng chế độ Assad sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự ở Afrin, Jarablus, al-Rai và al-Bab.

 

Kịch bản tồi tệ nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là đánh mất các khu vực ở phía Bắc vốn nằm dưới sự kiểm soát của họ thông qua chiến dịch “lá chắn Euphrates” năm 2017 và chiến dịch “Nhành Oliu” năm 2018. Rõ ràng, không loại trừ khả năng quân đội Syria sau khi giành lại được khu vực trung tâm tỉnh Idlib sẽ chuyển sang các mục tiêu phe đối lập chiếm được trong chiến dịch lá chắn Euphrates và ở Afrin.

 

Để thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường hiện diện quân sự ở Idlib để gây áp lực với Moscow trước nguy cơ tính mạng của binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa.

 

Tình hình Idlib phức tạp

 

Sau cuộc đụng độ chết người giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/2, một phái đoàn Nga đã tới Ankara vào ngày 8/2 để đàm phán giảm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như đã “đổ sông, đổ bể” sau cuộc tấn công ngày 10/2 ở thị trấn Taftanaz, làm nhạt phai hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết, một vòng đàm phán Astana mới có thể được tổ chức vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản ứng ra sao với đòn ngoại giao cưỡng chế mập mờ Thổ Nhĩ Kỳ giăng ra? Liệu ông Putin có sẵn sàng cho một cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

 

Nếu cuộc gặp xảy ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể sẽ yêu cầu để Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự kiểm soát với những khu vực chiếm được sau chiến dịch lá chắn Euphrates và Afrin ở miền bắc Syria để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi phía nam đường cao tốc chiến lược M4 và M5.

 

Ankara cũng đang tìm cách để giữ cho khu vực trung tâm Idlib tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy Syria. Tuy nhiên, lực lượng của Tổng thống Assad giờ chỉ cách mục tiêu của họ khoảng 10km – khoảng cách gần nhất họ có được kể từ năm 2012. Đàm phán khó có thể xảy ra cho đến khi chính quyền Damascus đạt được mục tiêu trong khi Moscow cố gắng tạo thêm thời gian cho chế độ Assad.

 

Cái khó nữa của Thổ Nhĩ Kỳ là bên cạnh việc chiến đấu với đối thủ trên mặt đất, họ còn phải đương đầu với thách thức làm sao để bảo vệ binh sĩ khi không có sự hỗ trợ của không quân ở Idlib, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng của ông Assad quyết tâm khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá./.

 

Theo VOV.VN