Banner

(TTV) Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 -2023) Khởi nguồn và động lực phát triển”

14:55, 27/02/2023

  Sáng ngày 27/2, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dự Hội thảo cấp Quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước. 


Cùng dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. 


Các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

 

 

Cách đây 80 năm, vào tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa. Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. 

 

Hội thảo cấp Quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Khởi nguồn và động lực phát triển” là dịp nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

 

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào các nội dung: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam – nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới; Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam; Phát huy giá trị của “Đề cương Văn hóa Việt Nam” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Vận dụng tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa – con người Việt Nam; Vận dụng giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Bước sang năm 2023, tròn 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, với niềm tin vững chắc từ những thành quả đã đạt được trong quá trình kế thừa, vận dụng các giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương, cùng những hy vọng mới. Vì vậy, Hội thảo đã góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Thông qua hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi; Quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử, những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng. Từ đó tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

                                                               Thúy Hà – Hùng Sơn