Banner

(TTV) Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 29

14:45, 16/12/2022
Ngày 16/12,  đồng chí  Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 29.

 

Dự hội nghị có các đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố.

 

 

Đề án về  phát triển kinh tế xã hội – xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn huyện Hàm Yên và huyện Yên Sơn là nội dung được Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 29 tập trung thảo luận.

 

Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát về mục tiêu, nguồn lực để thực hiện đề án. Quan điểm cần lồng ghép, huy động đa dạng và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện; Chú trọng phát huy, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân. Đề án cũng cần xác định những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số tại  từng địa phương cụ thể để có những giải pháp thiết thực, phù hợp, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương. Khi đề án được thực hiện cần tạo sức bật giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Đề án tập trung thực hiện tại các thôn, các địa phương khó khăn nhất của tỉnh. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu không còn hộ nghèo sau khi hoàn thiện đề án, phân công phân nhiệm của các cấp, các ngành cụ thể, khi tổ chức thực hiện ưu tiên quy hoạch khu dân cư, đảm bảo quỹ đất sản xuất, tập trung xây dựng hạ tầng cho người dân.

 

Đề án đổi mới Lễ hội Thành Tuyên đã được các ngành chức năng đưa ra lấy ý kiến nhân dân, bổ sung các ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành. Mục tiêu Đề án nhằm đổi mới công tác tổ chức, xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch riêng có, quy mô khu vực và quốc tế. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đóng góp một phần cho ngân sách của tỉnh.

 

Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Đề án đổi mới Lễ hội Thành Tuyên cần định hướng phát triển lễ hội theo hướng bền vững, gắn với đời sống, nâng cao thu nhập của người dân. Lễ hội cần tiếp tục mở rộng về quy mô, thời gian và không gian, thực hiện triển lãm các mô hình. Đặc biệt là việc vận động và phát huy vai trò của người dân tham gia vào các hoạt động của lễ hội, vận động người dân xây dựng các cơ sở lưu trú, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của du khách. Tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa tên gọi phù hợp với tiêu chí, quy mô lễ hội. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền quảng bá trong nước và quốc tế.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về Đề án "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025" và một số nội dung quan trọng khác./.

 

An Thu - Lưu Khiêm