Banner

(TTV) Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ

12:14, 09/07/2022
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, trong các ngày 7 - 8/7, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã tới dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và một số di tích lịch sử tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

 

Nằm cách quốc lộ 1A hơn 20 km về phía Tây Bắc, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

 

Nơi đây, quy tụ hơn 10.000 phần mộ, là nơi an nghỉ của các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân.

 

Khu mộ liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang - tỉnh Hà Giang thuộc Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hiện có 154 phần mộ của những người con Tuyên Quang và Hà Giang đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, trong đó có hơn 100 liệt sỹ nguyên quán Tuyên Quang.

 

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, hai tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang đã thống nhất tiến hành khảo sát, lập kế hoạch, phối hợp với Ban Quản lý Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn tu bổ, tôn tạo một số hạng mục trong khu mộ liệt sĩ hai tỉnh. Việc tôn tạo, tu bổ nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ được khởi công từ ngày 29/5/2022, hoàn thành vào ngày 01/7/2022.

 

Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Tuyên Quang, xứng đáng với vị thế quê hương “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”. 

 

Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do thống nhất đất nước. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng, liệt sĩ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Cũng tại tỉnh Quảng Trị, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang đã tới dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Cách đây nửa thế kỷ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa tháng 6/1972, Ngụy quyền Sài Gòn phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa”, hàng nghìn chiến sỹ đã nằm xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng tại Thành cổ. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc, vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.

 

Trong chuyến hành trình, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang đã tới dâng hoa, dâng hương cho anh linh các Anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30, cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến. Nơi đây, ghi dấu những chứng tích hào hùng, bất hủ, sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An vào ngày 31/10/1968. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến tích Truông Bồn vẫn mãi là biểu tượng cho tinh thần quả cảm, bất khuất, lòng yêu nước của nhân dân ta.

 

Tại tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và đoàn công tác đã dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương với tiền tuyến. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái Thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

                                                                                   

   Thái Văn