Banner

(TTV) Triển khai các đề án chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Sơn Dương

Sáng ngày 12/10, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với huyện Sơn Dương về việc triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

 

Thời gian qua, huyện Sơn Dương đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến sản phẩm. Hiện toàn huyện có 8 sản phẩm sản xuất theo chuỗi hàng hóa; có 70 hợp tác xã, 82 trang trại chăn nuôi, thủy sản, trong đó 28 cơ sở được chứng nhận VietGAP. Thực hiện tiêu chuẩn hóa 24 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm được găn sao OCOP. Đã có 20 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

 

Huyện Sơn Dương cũng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất. Chủ động, tích cực chỉ đạo, định hướng hỗ trợ, tổ chức lại sản xuất theo các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Gắn sản xuất với chế biến sản phẩm, do đó các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

 

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đưa diện mạo của huyện Sơn Dương ngày càng phát triển.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh: Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững huyện Sơn Dương cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh đã ban hành. Cơ cấu lại tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; Quan tâm đến các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh. Làm tốt công tác dự báo đầu vào, đầu ra của sản phẩm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thực phẩm. Phát triển trồng rừng, mở rộng diện tích rừng FSC; Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Tranh thủ, dành nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.../.

 

Tuấn Trường