Banner

(TTV) Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ 14

Ngày 11/10, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ 14. 

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.

 

 

Tại Hội nghị, công tác Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận.


Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy hoạch nhận định 6 điểm mạnh của tỉnh là vị trí địa lý, tài nguyên và nguồn nhân lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ rệt.


 6 điểm yếu của tỉnh cũng được chỉ rõ, như khu vực miền núi rộng, chiếm đến 2/3 diện tích; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ tầng; sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa phát triển mạnh; chất lượng lao động còn thấp… Đây cũng được xác định là những điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh… 


Với quan điểm tập trung phát triển ba trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông, lâm nghiệp hiệu quả cao và để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; Tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.  Các đại biểu đã tiếp tục bổ sung các vấn đề mà dự thảo quy hoạch cần thống nhất, hoàn thiện trước khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa xã hội.


Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về dự thảo chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các ý kiến đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có mục tiêu phấn đấu xếp hạng PCI trong top 20 của cả nước. Thực hiện cải cách hành chính quyết liệt, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, lấy tiêu chí kết quả thực hiện các chỉ số thành phần làm căn cứ đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân lãnh đạo. Cùng với đó là tăng cường việc ứng dụng thông tin trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử.


Về Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn, có 8 chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện để phát triển du lịch, để tạo điều kiện thu hút đầu tư và đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. 


Các đại biểu cũng đã thảo luận, xem xét Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo, kết quả  kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt, học tập và xây dựng quy chế làm việc, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và thực hiện Quy định số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Văn kiện của Đảng tới các chi, đảng bộ cơ sở và một số nội dung quan trọng khác.


 Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị đơn vị tư vấn quy hoạch tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tiếp tục rà soát, bổ sung để hoàn chỉnh quy hoạch, xác định rõ những điểm nghẽn để khai thông, đặc biệt là quy hoạch giao thông theo cả trục ngang và dọc. Xây dựng phương án khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao. Quy hoạch đảm bảo phát triển cân đối giữa các lĩnh vực.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng. Phấn đấu xếp hạng PCI cần đặt ra cao hơn, để thúc đẩy sự quyết liệt của các ngành, địa phương, người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng và xây dựng thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến cho người dân, hướng tới xây dựng công dân điện tử.

 

Đồng chí khẳng định chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, sẽ là động lực để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cần thực hiện kết nối chia sẻ 100% các dữ liệu. Lưu ý phát triển hạ tầng số để thu hút được các nguồn lực. Đặc biệt là phải quan tâm đến nhân lực cho chuyển đổi số. 


Về tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh với công tác giảm nghèo, cần xác định các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo chủ động vươn lên, không ỷ lại vào nhà nước. Gắn trách nhiệm cấp ủy, chính quyền với việc giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2030 không còn hộ nghèo.


Về vấn đề đón công dân của tỉnh đang ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có nhu cầu trở về địa phương. Qua rà soát, có gần 1.000 công dân có nhu cầu trở về. Dự kiến, ngày 14 -15/10, Tuyên Quang sẽ tổ chức đón đợt 1,  bằng phương tiện tàu hỏa. Thứ tự ưu tiên Nhóm 1: Người già (từ 70 tuổi trở lên), trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám bệnh, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là thân nhân với người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người đi thăm thân nhân, người đi công tác chưa trở về được. Nhóm 2: Lao động tự do, người lao động bị mất việc làm. Nhóm 3: Học sinh, sinh viên và các đối tượng khác.


Khi trở về địa phương, đối tượng thuộc diện F0 sẽ được điều trị tại Bệnh viện Phổi, các đối tượng khác sẽ được hỗ trợ cách ly tại khu cách ly tập trung.                                    

An Thu – Lưu Khiêm