Banner

(TTV) Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Hàm Yên về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngày 18/10, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Hàm Yên về việc triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

 

 

Thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện Hàm Yên đã tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, dành nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp gồm 3 cây chủ lực là cam gần 7.000 ha, cây chè 2.150 ha và cây gỗ rừng trồng; Phát triển chăn nuôi 3 con chủ lực gồm: vịt bầu, trâu, cá. Bên cạnh đó, huyện đã phát triển một số sản phẩm tiềm năng gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", liên kết thành chuỗi giá trị. Đến nay, sản phẩm Cam sành Hàm Yên đã có chỉ dẫn địa lý, 7 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện lớn nhất tỉnh với 20 liên kết sản xuất nông nghiệp, nông thôn; 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

 

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển lâm nghiệp bền vững với các tiêu chí cụ thể.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh: Sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Yên đã phát triển theo hướng hàng hóa, tuy nhiên tính liên kết chưa bền vững, chưa tạo ra chuỗi giá trị lớn tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương còn chậm...

 

Đồng chí yêu cầu huyện Hàm Yên cần cơ cấu lại tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; Phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; Tích cực quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp; Khẩn trương khống chế, khoanh vùng và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi; Mở rộng diện tích rừng FSC; Rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững... giữ vững vị trí huyện đi đầu về sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa của tỉnh.  

 

Viết Kiều – Thanh Tâm