Banner

Lực lượng Công an nhân dân và những đóng góp bảo vệ chính quyền non trẻ

09:51, 17/09/2022
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là mốc son lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ra đời từ trong bão táp của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp của Đảng, lực lượng Công an đã sát cánh cùng nhân dân đứng lên giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

Lực lượng cảnh sát hộ tống đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên chính phủ lâm thời tiến vào Quảng trường Ba Đình.


Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là lúc lực lượng Công an nhân dân chính thức ra đời. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và Nam Bộ thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc với cùng một nhiệm vụ: Bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ, giữ vững thành quả cách mạng của nhân dân.

 

Ngày 2-9-1945, hàng chục vạn đồng bào tập trung tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, dự mít tinh chào mừng Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp bảo vệ an toàn tuyệt đối Lễ Tuyên ngôn độc lập, ghi dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử của toàn dân tộc. Các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát và Trinh sát được Chính phủ phân công triển khai công tác bảo vệ tiếp cận lãnh tụ, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, bảo vệ khu vực khán đài cũng như khu vực quần chúng nhân dân dự mít tinh. Trong bối cảnh tình hình chính trị đất nước còn nhiều phức tạp, phải đối phó với các thế lực phản động tay sai đế quốc đang lăm le âm mưu chống phá chính quyền, các lực lượng đã hiệp đồng chặt chẽ, triển khai kịp thời việc khảo sát xây dựng lễ đài và thiết lập mục tiêu bảo vệ. Lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ đã tổ chức đấu tranh, bắt các đối tượng tay sai của Pháp, Nhật, các phần tử phản động âm mưu chống phá nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trước thềm buổi lễ. Lực lượng trinh sát được trang bị vũ khí bố trí thành hàng dài suốt từ địa điểm xuất phát của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Cảnh sát mặc đồng phục, mang súng ngắn, đi xe đạp hộ tống đoàn xe và bố trí lực lượng đứng bảo vệ xung quanh lễ đài.

 

Đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ vừa trực tiếp chỉ đạo lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, đồng thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát cũng được bố trí thành một khối tham dự mít tinh nhằm biểu dương sức mạnh công cụ chuyên chính của chính quyền mới ra đời.

 

Ngày 21-2-1946, để thống nhất tên gọi và bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng đối với lực lượng Công an trong cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 23/SL hợp nhất các tổ chức Liêm phóng, Trinh sát thành Việt Nam Công an vụ. Năm 1946, lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

Vừa bảo đảm tình hình an ninh trật tự, lực lượng Công an đồng thời phải bước ngay vào cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng, bảo vệ vững chắc những thành quả mà Đảng và Nhân dân vừa mới giành được, đỉnh cao là cuộc tổng trấn áp tổ chức phản động Quốc dân đảng vào tháng 7-1946.

 

Đầu năm 1946, trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới thành lập, thù trong giặc ngoài đe dọa, hàng trăm tổ chức phản động lớn nhỏ cấu kết với các thế lực thực dân, đế quốc âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền cách mạng. Quốc dân đảng là lực lượng phản động có thế lực và tham vọng lớn nhất, được sự ủng hộ, hậu thuẫn của cả quân Tưởng và thực dân Pháp, đã ngang nhiên chiếm đóng 41 địa điểm trên địa bàn Hà Nội làm trụ sở hoạt động vừa công khai, vừa bí mật. Chúng tập hợp các phần tử tội phạm, lưu manh chuyên nghiệp lập ra các tổ chức “Thần lôi đoàn”, “Thiết huyết đoàn” gây ra một loạt vụ bắt cóc, giết người, tống tiền... Tháng 7-1946, Quốc dân đảng âm mưu đảo chính vào đúng ngày Quốc khánh Pháp (14-7). Chúng dự kiến cho người nấp trên các tòa nhà cao, ném lựu đạn vào toán lính diễu hành qua Bắc Bộ phủ, lấy cớ Chính phủ Hồ Chí Minh không bảo đảm được an ninh trật tự, bắt sống phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đang dự Hội nghị Fontainebleautại tại Pháp để lập chính quyền bù nhìn thay thế.

 

Qua các nguồn tin từ cơ sở, lực lượng Công an nhân dân đã sớm nắm bắt được âm mưu của Quốc dân đảng và kịp thời, chủ động triển khai phương án đấu tranh. 2h sáng ngày 12-7-1946, Tiểu đội trinh sát thuộc Sở Công an Bắc Bộ đột nhập vào số nhà 132 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân), bắt giữ các đối tượng, thu toàn bộ máy in, truyền đơn cùng nhiều vũ khí, đồng thời thu giữ bản “Kế hoạch đảo chính” viết tay của Trương Tử Anh, một trong những đối tượng cầm đầu của Quốc dân đảng. Với bằng chứng rõ ràng, lệnh tổng trấn áp Quốc dân đảng trên toàn địa bàn Hà Nội được ban hành. Tại nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), lực lượng Công an đã bắt giữ đối tượng Phan Kích Nam, thu được những bằng chứng rõ ràng về tội ác bắt cóc, giết người, tống tiền của Quốc dân đảng. Tại các địa phương trong cả nước, lực lượng Công an cùng quần chúng nhân dân tổ chức truy bắt các đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn và đón bắt những tên từ Hà Nội trốn về. Kết quả là âm mưu đảo chính phản cách mạng của Quốc dân đảng phá sản hoàn toàn trong vòng 48 giờ.

 

Vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Công an nói riêng và sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc nói chung. Đây là chiến công đầu, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng Công an mới thành lập, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, làm phá sản hoàn toàn âm mưu của các thế lực phản động cấu kết với thực dân, đế quốc lật đổ thành quả cách mạng của nhân dân. Cũng từ chiến công này, 12-7 đã trở thành Ngày Truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam.

 

Ngày 19-8-1945, thắng lợi của cuộc cách mạng mùa thu lịch sử cũng là mốc son đầu tiên trên hành trình vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trải qua 77 năm không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lực lượng Công an vẫn luôn nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu quên mình trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Đó là những trang sử hào hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

Theo Hanoimoi.com.vn