Banner

Khắc phục khâu yếu trong tự kiểm tra

Kiểm tra là chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Kiểm tra kết hợp cùng giám sát và kỷ luật Đảng là một phần không thể thiếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là một trong bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

 

Tuy nhiên, những năm qua, bên cạnh kết quả, thành tích rất ấn tượng, công tác kiểm tra của Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, như tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu”. Khâu yếu này, bởi vậy, cần phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới đây.

 

Kiểm tra trong Đảng là việc tổ chức Đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước... Thông qua kiểm tra, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đưa ra kết luận, kỷ luật hay không kỷ luật, nếu kỷ luật thì với mức độ nào.

 

Trên phạm vi toàn quốc, những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, công tác kiểm tra trong Đảng từ Trung ương xuống Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đảng bộ trực thuộc có kết quả khá nổi bật. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, toàn quốc đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 87.000 đảng viên, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.

 

Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, công tác kiểm tra của Đảng luôn được Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, luôn là đơn vị dẫn đầu trong ngành. Riêng giai đoạn 2015-2020, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp từ thành phố xuống cơ sở qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên và 59 tổ chức Đảng.

 

6 tháng đầu năm 2021, cũng đã có 724 đảng viên, trong đó có 100 cấp ủy viên bị kỷ luật.

 

Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm lại không phải do cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý trong nội bộ mà do cấp ủy cấp trên thực hiện, do đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc do báo chí nêu. Tại Hà Nội, qua kiểm tra và kết luận đối với 464 tổ chức Đảng cho thấy, vẫn có tới 12,8% tổ chức Đảng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng.

 

Có nhiều nguyên nhân của hiện tượng trên: một số  cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy buông lỏng việc kiểm tra; có yếu kém, khuyết điểm nhưng không xử lý nghiêm minh, dứt điểm, để tồn đọng lâu dài; phê bình và tự phê bình không đến nơi đến chốn, không muốn “ vạch áo cho người xem lưng”; nể nang, né tránh, bao che lẫn nhau, lãnh đạo mà không kiểm tra. Ngoài ra, còn do cơ chế, quy định quản lý cán bộ còn có thiếu sót, lỏng lẻo, không rõ trách nhiệm... cũng khiến việc tự kiểm tra, phát hiện sai phạm chưa đạt hiệu quả cao.

 

2. Để khắc phục được tình trạng trên, cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy cần xác định rõ sự quan trọng, cần thiết của công tác kiểm tra đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tập trung tự kiểm tra các cán bộ, đảng viên công tác trong lĩnh vực “nhạy cảm” như quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, giải phóng mặt bằng… Với công tác này, cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa sâu xa rằng, kiểm tra chính là nhằm “trị bệnh cứu người”, “chữa lành vết thương”. Bởi giống như cái cây bị sâu, nếu không chủ động vạch lá, bắt sâu, phun thuốc mà “trông chờ, nghe ngóng” bên ngoài thì bệnh sẽ ngày càng nặng, thậm chí để lâu đến lúc không chữa được, mất cả cây...

 

Đồng thời, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác kiểm tra, cùng với giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính; phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Khi đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy phải kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm; kết luận rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan. Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh và công khai kết quả xử lý, nhất là trong nội bộ cơ quan, đơn vị đó để góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm.

 

Cùng với sự chủ động của cấp dưới, cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp trên cần thường xuyên giám sát, từ đó động viên, khuyến khích cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp dưới tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm. 

 

Một điều không thể thiếu để nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra trong Đảng là chú trọng vấn đề con người. Đó là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy, cán bộ kiểm tra; phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; là những người có dũng khí đấu tranh, và đặc biệt phải trong sạch, liêm chính, cương trực.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Nên có thể nói, khắc phục khâu yếu trong công tác kiểm tra nói trên không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên tự soi, tự sửa để ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

 

Theo Hanoimoi.com.vn