Banner

Cam kết chấm dứt việc lạm dụng kháng sinh

Cùng tham gia vào Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc đã cùng cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi và tại các hộ gia đình.
Toàn cảnh họp báo về nâng cao nhận thức phòng chống kháng thuốc
 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Mục đích của sự hợp tác này nhằm cùng nhau kêu gọi các ngành, lĩnh vực và mọi người dân cùng hành động để duy trì hiệu quả của kháng sinh. Kế hoạch Hành động Quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm nay, là đường hướng tiếp theo cho Bộ Y tế, Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị cho xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021 – 2030.

 

WHO, FAO và các đối tác khác đã sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam cho nỗ lực này. 

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỉ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. “Trong vòng một năm gần đây, ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi chia sẻ.

 

Được ca ngợi như một điều kỳ diệu trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh đã thay đổi cuộc chơi trong việc đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm - giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và tuổi thọ của người lớn được kéo dài. Nhưng bức tranh đó đang thay đổi đáng kể. Nhiều năm lạm dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh của con người cũng như đối với động vật, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng sức đề kháng với thuốc kháng sinh, khiến chúng hầu như không hiệu quả.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh. Bên cạnh đó, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc cũng rất khó khăn cho bác sĩ vì phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhiều loại kháng sinh đã kháng rồi thì không dùng được, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.

 

Trong thời buổi y học phát triển như hiện nay, các loại kháng sinh rất phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Việc sử dụng kháng sinh hợp lý sẽ rút ngắn được thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

 

Để sử dụng kháng sinh hợp lý thì việc xác định đúng vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn là rất quan trọng, từ đó người thầy thuốc trên cơ sở kinh nghiệm lâm sàng cùng với kiến thức về dược lý sẽ có quyết định lực chọn kháng sinh nào phù hợp. Muốn vậy, người thầy thuốc cần luôn cập nhật kiến thức, áp dụng hướng dẫn mới phù hợp.

 

Đối với mỗi cá nhân người dân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý, chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. 

 

“Trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng, do vậy ngành lương thực và nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lây lan. Dọc theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm, các biện pháp cần được thực hiện đảm bảo kháng sinh được sử dụng thận trọng, qua đó có thể làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc”, bà Rana Flower, Trưởng Đại diện lâm thời văn phòng FAO cho biết.

 

Theo Chinhphu.vn