Thứ Ba, 17/09/2024 12:35

Khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay

19/09/2023 - 08:24 | Pháp luật

Việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ

 

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26 (đợt 2) diễn ra vào sáng 18/9 tại Nhà Quốc hội.

 

Dự thảo Luật được xây dựng hiện có bố cục gồm 9 chương, 54 điều (tăng 2 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về lưu trữ tài liệu điện tử; quy định về hoạt động lưu trữ tư; về hoạt động dịch vụ lưu trữ…

 

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, trong đó chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ; nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

 

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

 

Dựa vào các căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

 

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đối với dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 11 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

 

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để "giới hạn" phạm vi điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ tư theo hướng Luật chỉ điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

 

Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc sắp xếp lại một số chương cho hợp lý hơn theo hướng đưa nội dung về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ (chương IV) lên trước nội dung về quản lý tài liệu lưu trữ (chương II)./.

 

Theo Chinhphu.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm