Thứ Tư, 11/09/2024 02:39

Cơ chế DPPA thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam

06/07/2024 - 09:48 | Kinh tế

Nhiều ý kiến đều cho rằng, cơ chế DPPA sẽ là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.

Chiều 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Đây là cơ chế được rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn và khách hàng FDI quan tâm.

 

Cơ chế này sẽ tạo ra sự chủ động cho các thành viên thị trường. Trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Với cơ chế DPPA, hai bên có thể tự thoả thuận và mua bán với nhau. Điều này giúp họ chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong dài hạn và giảm thiểu rủi ro về giá cả biến động.

 

Một điểm rất đáng chú ý là trong nghị định mới này đó là đã mở rộng đối tượng tham gia mua điện năng lượng tái tạo trực tiếp. Trong các dự thảo trước, Bộ Công Thương quy định, nhóm khách hàng này phải có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là lớn nhưng điểm mới ở đây là nghị định đã nới lỏng yêu cầu này, xuống mức 200.000 kWh.

 

Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, hiện nay có khoảng 3.200 khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ trên 500.000 kWh mỗi tháng. Trong khi đó, nhóm sử dụng trên 200.000 kWh lại có đến 7.700 khách hàng.

 

Cơ chế sẽ DPPA thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

 

Tại hội nghị ngày 5/7, các ý kiến đều cho rằng, cơ chế mới sẽ là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Tất cả các đại biểu đều bày tỏ sự hoan ngênh với nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư.

 

Xanh hoá là yêu cầu của nhiều thị trường lớn hiện nay. Việc ban hành cơ chế DPPA có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất, mở ra cơ hội cho hàng hoá Việt Nam bước chân vào các thị trường khó tính như châu Âu.

 

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) cho biết: "Liên minh châu Âu là khu vực đi đầu trên thế giới về tăng trưởng xanh với ngày càng nhiều quy định như yêu cầu báo cáo phát triển bền vững, cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Do đó, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu cũng phải sử dụng năng lượng tái tạo. Ngược lại doanh nghiệp châu Âu cũng là những nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Với cơ chế DPPA, sẽ khuyến khích đầu tư nhiều hơn, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050".

 

Cũng đến từ châu Âu, Tập đoàn CIP là nhà đầu tư chính của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2020. Dự án có tổng công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên đến 10,5 tỷ USD. Khi hoàn thiện xây dựng, có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình tại Việt Nam. Hoan nghênh cơ chế DPPA, song doanh nghiệp cũng mong muốn sớm có những quy định cụ thể hơn để nghị định sớm đi vào đời sống.

 

Ông Sturt Vivesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá: "Việc ban hành Nghị định 80 là bước đi rất quan trọng, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu. Sau đấy còn nhiều vấn đề cần phải được bàn thảo, ví dụ việc tính giá, tính phí nếu các bên sử dụng đường dây của EVN. Chúng tôi có thể hỗ trợ EVN xây dựng những đường truyền tải điện tái tạo, để đảm bảo chi phí chuyển tải điện đến tay người dùng cuối cùng không quá cao ".

 

Tại sự kiện ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA. Đồng thời, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và thanh toán hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế này.

 

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm