Banner

''Vướng nghẽn'' mạ khay, cấy máy

10:16, 29/06/2022
Ứng dụng gieo mạ khay và cấy bằng máy đã được chứng minh trên thực tế mang lại nhiều lợi ích, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng phương thức này trong canh tác lúa trên địa bàn Hà Nội những năm qua vẫn "ì ạch" bởi vướng không ít "điểm nghẽn", dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ của thành phố cũng như các địa phương. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

 

Cấy máy sử dụng mạ khay tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang


Không đạt mục tiêu vì nhiều "điểm nghẽn"

 

Phú Xuyên là một trong những huyện đi đầu áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy của thành phố, được nhiều địa phương tới tham quan, học tập. Năm 2012, huyện có hơn 100ha lúa áp dụng phương thức này. Huyện đặt mục tiêu, đến năm 2014, 2015 có hơn 60% diện tích - tương đương khoảng 5.000ha áp dụng mô hình và sẵn sàng hỗ trợ đầu tư hơn 450 máy cấy. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Đến nay, diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy của huyện dù vào nhóm cao nhất thành phố, nhưng cũng mới đạt khoảng 10% diện tích gieo cấy.   

 

Một số địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết: Dù đã đưa mạ khay, cấy máy vào đồng ruộng cả chục năm nay nhưng diện tích lúa áp dụng mô hình này tăng không đáng kể và chỉ dừng lại ở một số hợp tác xã có kinh nghiệm, năng lực...

 

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà, huyện Đông Anh Lê Văn Tỵ, triển khai mô hình mạ khay, cấy máy khó nhất là mặt bằng làm mạ khay. Giải quyết điều này, xã Liên Hà đã tạo điều kiện tổ chức sản xuất mạ khay ngay tại sân UBND xã, sân nhà văn hóa, sân bóng đá... và hiện khoảng 55-60% diện tích lúa ở xã Liên Hà đã áp dụng mô hình.

 

Theo Sở NN&PTNT, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (gần 100% diện tích) và khâu thu hoạch (hơn 85% diện tích) còn khâu gieo, cấy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn thấp, mới đạt trên dưới 3% diện tích.

 

Lý giải về việc các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa... từng ồ ạt đưa mạ khay, máy cấy vào đồng ruộng rồi sau đó giảm mạnh, không đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Chính Đạt - đại lý máy nông nghiệp Kubota của Nhật Bản Trương Thị Hạnh cho rằng: Nhiều địa phương chưa đồng bộ các khâu sản xuất và sử dụng máy cấy không phù hợp với đồng đất. Ví dụ, đồng ruộng của Phú Xuyên lầy, thụt... lẽ ra phải sử dụng máy công suất lớn với khả năng vượt lầy nổi trội thì lại đưa các loại máy công suất nhỏ vào đồng ruộng nên không phát huy được hiệu quả. Chưa kể đến việc thiếu đồng bộ trong các khâu sản xuất như thủy lợi, thời vụ, giống, làm mạ...

 

Cần đồng bộ giải pháp

 

Để phát triển các mô hình mạ khay, cấy máy, theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Chính Đạt Trương Thị Hạnh, các hợp tác xã, người nông dân cần chủ động đầu tư máy móc, thiết bị và khai thác hiệu quả chính sách hỗ trợ... Trong khi đó, từ kinh nghiệm của một Hợp tác xã sản xuất lượng khay mạ lớn nhất huyện Phú Xuyên (mỗi vụ 15-17 vạn khay) và có 11 máy cấy công suất lớn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Hưng xã Nam Tiến, Phạm Minh Đức nhấn mạnh, việc lựa chọn loại máy nào để phù hợp với đồng đất, quy mô tích tụ ruộng đất... có ý nghĩa quyết định đến thành công của mô hình.

 

Ở điểm nhìn khác, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà, huyện Đông Anh Nguyễn Văn Long nêu quan điểm: Các hợp tác xã không nên đầu tư mạ khay, máy cấy nếu chỉ vì có hỗ trợ của Nhà nước, bởi các nguồn hỗ trợ chỉ mang tính chất tạo động lực ban đầu, nếu cán bộ hợp tác xã không có kinh nghiệm quản lý, điều hành... thì mô hình sẽ dễ bị "đắp chiếu". Tư duy người đứng đầu sẽ quyết định sự phát triển của mô hình và cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương sẽ thúc đẩy hoạt động một cách hiệu quả...

 

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Từ năm 2019 đến năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 22 điểm mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy lên 1.570ha/2 vụ. Năm 2022, Trung tâm chú trọng phát triển các mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10ha/1 điểm) tại 7 xã của các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh với quy mô 270ha. Những mô hình này sẽ giúp các địa phương đúc rút kinh nghiệm, có giải pháp ứng dụng phù hợp.

 

Thực tế cho thấy, hiện các khâu cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã làm tốt, còn "điểm nghẽn" cuối cùng là khâu cấy. Để xóa "điểm nghẽn" này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội sẽ có các cơ chế, chính sách đồng bộ như: Đầu tư hơn nữa cho thủy lợi nội đồng; hỗ trợ mua máy cấy công suất cao; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp...

 

Hy vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy đạt từ 20 đến 30%.

 

Theo Hanoimoi.com.vn