Banner

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Hà Nội: Nỗ lực để hoàn thành kế hoạch

Những tháng còn lại của năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khẩn trương tập trung nhân công, đề ra nhiều giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra của cả năm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành thành phố luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Công nhân sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Trung Hiếu


Cởi bỏ gánh nặng

 

Tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây), gần 2.000 công nhân đã trở lại làm việc sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Cả nhà máy rộn ràng tiếng máy chạy. Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà Lê Hữu Phong cho biết: “Tháng 9 là tháng cao điểm của ngành Dệt may khi phải trả các đơn hàng cho vụ đông - xuân. Việc dừng sản xuất khiến nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD với các đối tác nước ngoài đứng trước nguy cơ đổ bể, cùng với đó là áp lực tài chính khi mọi chi phí đầu vào đều tăng. Nhưng giờ gánh nặng ấy đã được cởi bỏ. Chia sẻ với khó khăn chung, một số đối tác đã gia hạn thời gian hợp đồng và giờ là thời điểm để chúng tôi tăng tốc phục hồi hoạt động, phấn đấu đạt giá trị sản xuất trong năm 2021 là 700 tỷ đồng”.

 

Dù không phải dừng hoạt động nhưng theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, dịch bệnh khiến doanh nghiệp chịu nhiều chi phí gia tăng khi phải tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, cước phí vận chuyển cao, rồi chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2… “Chúng tôi chấp nhận tăng thêm nhiều chi phí để giữ chữ tín với khách hàng. Nhờ đó, 9 tháng năm 2021, công ty đã đạt giá trị sản xuất hơn 2.740 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 344 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đoàn Kết nói.

 

Để phấn đấu doanh thu năm 2021 tăng vượt 18% so với năm 2020, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông sẽ tập trung chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, chăm sóc khách hàng, nhanh chóng hỗ trợ vận chuyển sản phẩm đến các đại lý khu vực được dỡ bỏ giãn cách xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh thương mại điện tử quốc tế và kinh doanh không tiếp xúc để tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu.

 

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình - CADI-SUN (quận Thanh Xuân) Huỳnh Tấn Quyền cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu 9 tháng năm 2021 của đơn vị sụt giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Bởi vậy, khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, đơn vị xác định mục tiêu phải tăng tốc sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch nhập nguyên vật liệu, bảo đảm duy trì sản xuất ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến xấu.

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đạt công suất 80-90%. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, tạo việc làm cho công nhân và đặc biệt là giữ khách hàng.

 

Đo thân nhiệt, thu thập thông tin dịch tễ của công nhân tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang
Quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

 

Để phục hồi sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị thành phố nhiều giải pháp hỗ trợ, như tiếp tục được miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, kết nối tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho phép doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng giải pháp phòng dịch… Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ (Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) Trần Thị Thu Hà đề xuất, thành phố nên có chính sách tạo điều kiện cho người lao động đi lại làm việc để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng cho hay, Sở đã thành lập tổ công tác theo chỉ đạo của thành phố để gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp. Các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được tổ công tác tổng hợp, đề xuất, báo cáo thành phố nghiên cứu giải pháp hỗ trợ và tiến tới tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

 

Còn theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu... Cùng với đó, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được chú trọng, thông qua việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư...

 

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 và quý IV-2021, thành phố sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường...

 

Doanh nghiệp nỗ lực, các cấp, ngành thành phố đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch bệnh sẽ giúp công nghiệp Hà Nội tăng tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 

Theo Hanoimoi.com.vn