Banner

"Chìa khoá" đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Hết tháng 4, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 18%. Linh hoạt thực hiện giải ngân từng nguồn vốn sẽ là "chìa khóa" để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.


Bộ KH&ĐT đề nghị báo cáo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

 

Đã hết 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước mới chỉ đạt xấp xỉ 19%, chưa tới 1/5 kế hoạch cả năm. Mặc dù tốc độ tăng được đánh giá ở mức cao nhất trong giai đoạn 2017 - 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch lại còn khá thấp.

 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 45 về triển khai công việc của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị các Bộ, ngành và địa phương báo cáo 4 nội dung.

 

Một là kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm nay cho các dự án đủ điều kiện và vốn đến nay chưa được phân bổ cùng lý do cụ thể.

 

Hai là các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm giải ngân của từng dự án.

 

Ba là giải pháp đã triển khai trong thời gian qua để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 

Bốn là đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

 

Các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

 

Các địa phương đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.

 

Kho bạc Nhà nước cho biết, đến thời điểm này, có 17 Bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào. Hầu hết các Bộ ngành, địa phương vẫn còn ì ạch, chưa thực sự quyết liệt thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, một số Bộ và địa phương có tỷ lệ giải ngân khá tích cực, đạt trên 20% như Thái Bình, Hà Nam, Lạng Sơn... nhờ thực hiện các giải pháp ngay từ đầu năm.

 

Với tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt hơn 20%, thuộc nhóm cao nhất cả nước, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện giao kế hoạch vốn cho các dự án ngay từ đầu năm. Đồng thời, sớm hoàn thành các thủ tục để có thể bắt tay vào thi công tại hiện trường.

 

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lạng Sơn cho hay: "Hàng tháng tổ chức họp chuyên đề về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đề bù giải phóng mặt bằng đảm bảo có mặt bằng sạch giao cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án".

 

Còn tại Hà Nội, một trong những dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã giải ngân được 18% kế hoạch vốn của năm nay. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, từ nay đến cuối năm, lượng vốn còn lại sẽ phải hoàn thành giải ngân 100%.

 

"Hiện tại chúng tôi đã trao đổi với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và báo cáo thành phố để các Sở liên quan đến đầu tư công mà những dự án Ban đang làm chủ đầu tư để có cơ chế phối hợp để rút ngắn các thủ tục hành chính để tập trung triển khai thi công tại hiện trường", ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội nói.

 

Gắn trách nhiệm người đứng đầu đối với các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công

 

Có nhiều nguyên nhân khiến quý I giải ngân hạn chế như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực, nguyên vật liệu và công tác tổ chức thi công tại các dự án.

 

Bên cạnh đó, quý đầu năm cũng là thời gian các đơn vị chủ yếu giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước. Tuy nhiên, đến giờ đã hết tháng đầu tiên của quý II, tâm lý đủng đỉnh sẽ không thể kéo dài thêm nữa. Theo đại diện Kho bạc Nhà nước, cần gắn vai trò của người đứng đứng đầu các đơn vị sử dụng ngân sách với tỷ lệ giải ngân.

 

Bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước cho biết: "Kho bạc Nhà nước hàng tháng có thông báo tỷ lệ giải ngân tới các Bộ trưởng để nắm bắt và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của từng chủ đầu tư.

 

Kho bạc Nhà nước cũng tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, cải cách việc giao nhận hồ sơ giữa Kho bạc Nhà nước và chủ đầu tư. Công khai minh bạch trong tiến trình xử lý hồ sơ của Kho bạc Nhà nước".

 

Gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công

 

Giải ngân vốn đầu tư công gồm cả vốn ngân sách trong nước và vốn vay nước ngoài. Với các quy định và khung pháp lý khác nhau, việc linh hoạt thực hiện giải ngân từng nguồn vốn để không ảnh hưởng đến tiến độ chung cũng đang được các đơn vị tập trung giải quyết.

 

Dự án hồ thuỷ lợi Bản Lải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm tại tỉnh Lạng Sơn là một trong những dự án trọng điểm về đầu tư công của năm nay. Đến thời điểm này, 95% vốn đã được giải ngân. Mục tiêu cuối năm nay, khi dự án hoàn thành thì việc giải ngân cũng sẽ giải quyết xong.

 

Dự án hồ đập Bản Lải là một trong những công trình hồ thuỷ lợi lớn nhất của miền núi phía Bắc. Vì được triển khai trong điều kiện vừa chống lũ, vừa thi công nên những thời điểm thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đã phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, bù lại cho những ngày lũ về không thể thi công.

 

Có nhiều nguyên nhân khiến quý I giải ngân vốn đầu tư công hạn chế.
Ảnh minh họa.

 

Năm nay, ngành nông nghiệp được giao 9.800 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, vốn ngân sách trong nước khoảng 7.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA. Theo đại diện Bộ nông nghiệp, hiện tiến độ giải ngân nguồn vốn trong nước đang được kiểm soát theo đúng kịch bản. Giải pháp đối phó với các tình huống phát sinh như giá nguyên vật liệu tăng cao cũng đang được triển khai.

 

Tuy nhiên, áp lực giải ngân đầu tư công lại đang nằm ở nguồn ODA. Bởi một số nguyên nhân như quy định không được sử dụng vốn vay để thanh toán 10% thuế khiến các dự án phải mất thêm nhiều thời gian điều chỉnh lại so với hiệp định vay vốn ban đầu.

 

Đồng thời, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng phi mã trong những tháng gần đây cũng làm ảnh hưởng đến phương án đầu tư dự án. Đây cũng là những vướng mắc nhiều dự án ODA trên cả nước đang gặp phải.

 

Cũng theo Bộ KH&ĐT, cần có 2 nhóm giải pháp phải được thực hiện ngay. Thứ nhất là hoàn thiện các thể chế pháp luật liên quan đến các bước triển khai dự án và phân quyền của các đơn vị liên quan. Thứ hai là các giải pháp tổ chức thực hiện linh hoạt, cụ thể cho từng loại dự án như dự án chuyển tiếp, dự án còn nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước và các dự án mới để đảm bảo giải ngân nhanh theo đúng quy định.

 

Theo VTV.VN