Banner

Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng

Năm 2020 đã khép lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích.

 

Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Riêng năm 2020, một năm rất đặc biệt, đúng như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách; là năm mà chỉ số niềm tin của nhân dân lên cao nhất. Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016 - 2020.

 

Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

 

Trong các ưu tiên của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trong 5 năm qua, nhiều "điểm nghẽn" về thể chế đã được Chính phủ phát hiện, xử lý. Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Hàng nghìn giấy phép con đã được xóa bỏ. Nhờ những nỗ lực lớn này, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất nổi bật, tăng tới 20 bậc về môi trường kinh doanh và tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu.

 

Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp.

 

Cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số. Nhờ đó, Việt Nam là nước có điểm số tăng nhiều nhất trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp. Đảng ta ra các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển các thành phần kinh tế, trong đó nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Quốc hội đã sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ ra Nghị quyết số 35 về Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, ban hành loạt nghị quyết với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ở ASEAN.

 

Một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ này là nước ta đã chuẩn bị rất tốt các hành trang hội nhập kinh tế quốc tế qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Với các hiệp định này, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá, Chính phủ đã tạo những đột phá về quan hệ kinh tế quốc tế cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

 

Kinh tế Việt Nam đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào ấy là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là sự hòa quyện của "Ý Đảng và lòng dân".

 

Theo VTV.VN