Banner

Nới nợ công, tạo lực đẩy cho nền kinh tế trong bối cảnh đặc biệt

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đặc biệt phải chấp nhận bội chi cao hơn, nợ công tăng lên để tạo lực đẩy cho nền kinh tế, tuy nhiên, cần phải có lộ trình giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong dài hạn.

Dự kiến bội chi cao, nợ nhiều hơn

 

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tổng số thu NSNN năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu và chi ngân sách năm 2021 đều thấp hơn dự toán năm 2020.

 

Tuy nhiên, dự toán về nợ công và bội chi năm 2021 lại tăng khá nhiều. Cụ thể, bội chi NSNN năm 2021 được dự kiến là 343.670 tỷ đồng, khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 5% GDP chưa điều chỉnh). Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng (3,7% GDP), bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (0,3% GDP).

 

Bội chi NSNN năm 2021 được dự kiến là 343.670 tỷ đồng, khoảng 4% GDP
điều chỉnh. (Ảnh minh họa: KT)

 

Dự kiến nợ công đến hết năm 2021 bằng 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh), nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng 53,2% GDP chưa điều chỉnh).

 

Lý giải về dự toán chi năm 2021 tăng, bội chi cao, nợ nhiều hơn, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân là do năm 2021 NSNN sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục phòng dịch, bảo đảm an sinh xã hội và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.

 

“Đây là bước chấp nhận tăng nợ công để phục hồi kinh tế. Nền kinh tế qua cơn đại dịch cần thuốc để trợ lực để phục hồi, vì thế cần đảm bảo chi đầu tư công, chi an sinh xã hội và vẫn phải bảo đảm chi trả nợ”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.

 

Trước những lo ngại về nợ công tăng, nhất là nếu tính theo GDP mới điều chỉnh thì con số tuyệt đối về nợ sẽ ở mức rất lớn và bội chi cũng cao, đại diện Vụ NSNN cho biết, 5 năm qua (2016-2019), chúng ta đã nén được nợ công về ngưỡng 44,7%. Theo dự tính của Bộ Tài chính, năm 2020 này, vì đại dịch Covid-19 thì nợ công sẽ tăng thêm 4% nữa, như vậy sẽ vào khoảng 57% GDP và nợ Chính phủ khoảng 51% GDP.

 

Theo ông Tân, khi đưa ra mức nợ công và tỷ lệ bội chi trong dự toán là đã cân nhắc trên mọi phương diện, kể cả khả năng an toàn kinh tế vĩ mô cũng như khả năng huy động từ nền kinh tế và phải xác định khả năng chúng ta vay ở đâu, vay bằng cách nào và khả năng trả nợ ra sao.

 

“Dư địa tài khóa của chúng ta đã được cải thiện một cách rất mạnh. Cũng chính nhờ dư địa tài khóa đó, năm 2020 Việt Nam mới có nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19”, đại diện Vụ NSNN nói.

 

Theo dự thảo dự toán NSNN năm 2021, chi đầu tư phát triển là 477.300 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN (dự toán năm 2020 là 26,9%), tăng 6.700 tỷ đồng so dự toán năm 2020. Chi trả nợ lãi 110.100 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng chi NSNN, giảm 8.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Chi thường xuyên 1.036.700 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN, giảm khoảng 20.000 tỷ đồng (-1,9%) so với dự toán năm 2020.

 

Cần có giải pháp giảm bội chi khi dịch qua đi

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chủ trương chấp nhận tăng tỷ lệ thâm hụt NSNN và tỷ lệ nợ công để hỗ trợ nền kinh tế là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm an sinh xã hội, kích thích kinh tế phát triển, không để nền kinh tế kéo dài hơn tình trạng tăng trưởng thấp, song cũng cần cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ các tỷ lệ đó. Việc giữ mức thu NSNN như mọi năm hoặc tăng thu là không khả thi, nên tốt nhất là tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ từ NSNN. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chi NSNN thật chặt chẽ, chi đầu tư phải được giám sát về hiệu quả thực hiện song song với việc tiếp tục rà soát các khoản chi có thể cắt giảm, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên.

 

“Chúng ta đành phải chấp nhận tăng thâm hụt NSNN để hỗ trợ nền kinh tế gắng gượng và hồi phục. Mức thâm hụt NSNN và nợ công hiện vẫn trong tầm kiểm soát”, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nêu ý kiến.

 

Dự toán chi thường xuyên năm 2021 là 1.036.700 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng
chi NSNN. (Ảnh minh họa: KT)

 

Còn theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, bình thường quy định bội chi là dưới 3,5% GDP, bây giờ lên 5% GDP. Trong bối cảnh đặc biệt thì chúng ta phải có giải pháp đặc biệt. Kể cả bội chi lên 6% GDP trong ngắn hạn cũng không sao, vấn đề là phải có giải pháp giảm bội chi khi dịch qua đi, phải có lộ trình giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong dài hạn.

 

Ông Cường cho rằng, nhìn vào tỷ lệ bội chi và nợ công tính theo GDP mới sẽ giảm rất mạnh nhưng theo số tuyệt đối là con số không nhỏ, vì vậy, cần có cách thức để kiểm tra vấn đề an toàn của bội chi và nợ công với một chỉ số phụ. Trong đó, cần quan tâm đến tỷ lệ trả nợ và kế hoạch trả nợ.

 

“Chúng ta thường nhìn sự an toàn của tài chính quốc gia và nợ công theo tỷ lệ tính trên GDP, nhưng tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách cũng là một con số rất quan trọng để đánh giá mức an toàn của nợ công”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nói.

 

Theo PSG. TS. Vũ Sỹ Cường, nếu có khả năng trả nợ tốt thì trần nợ công không quan trọng, bởi hiện tỷ lệ trả nợ của Việt Nam chưa phải là ngưỡng cao. Tuy nhiên, hiện ông chưa nhìn thấy kế hoạch trả nợ. Do đó, cần có thêm kịch bản cho NSNN trong trường hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát không được như dự kiến. Chấp nhận bội chi và nợ công cao nhưng phải đi kèm các biện pháp bảo đảm an toàn nợ công và lường trước các rủi ro về nợ, rủi ro lãi suất.../.

 

Theo VOV.VN