Banner

Dịch vụ chữ ký số sẽ được giảm giá còn 250.000 đồng/năm

Dịch vụ chữ ký số (chứng thư số) sẽ được giảm giá còn khoảng 250.000 đồng/năm, tương đương với với chi phí dịch vụ OTP của ngân hàng.

 

Chữ ký điện tử - chữ ký số được xem như một trong những công cụ đắc lực
nhất phục vụ công cuộc chuyển đổi số (Ảnh minh họa: KT)

 

Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động.

 

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đánh giá, thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp đã đạt tới mức bão hòa, thị trường chữ ký số cá nhân còn rất khiêm tốn (khoảng 10%) trong khi tiềm năng ở thị trường này là rất lớn. Một trong những nguyên nhân được nhận định là do mức giá chứng thư số vẫn khá cao, chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng cá nhân.


Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ  Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam) cho biết, hiện, doanh nghiệp chi phí từ 400.000-500.000 đồng/năm/chứng thư số để thực hiện hàng trăm các dịch vụ thuế, hải quan, bảo hiểm… mỗi tháng. Để thu hút, mở rộng khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp cung cấp chứng thư số đang cố găng triển khai nhiều biện pháp, đảm bảo giảm xuống mức giá tốt nhất cho dịch vụ chữ ký số.

 

“Hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số đang khẩn trương triển khai chữ ký số từ xa trên thiết bị di động. Chúng tôi cam kết mức chi phí sẽ được giảm hợp lý nhất, với nhiều hình thức như tính phí theo lần giao dịch chứ không chỉ theo thuê bao như hiện nay, có nghĩa là dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Tạm ước lượng chi phí chỉ tương đương với chi phí giải pháp OTP của các ngân hàng”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

 

Chi phí duy trì hoạt động OTP của các ngân hàng ước tính khoảng 250.000 đồng/năm, trong đó ngân hàng trợ giá cho khách hàng khoảng 120.000 đồng/năm. Tuy nhiên, dịch vụ OTP chỉ có thể sử dụng riêng từng ngân hàng.

 

“Chữ ký số vừa đảm bảo an toàn vừa thuận lợi trong các giao dịch điện tử. Đối với dịch vụ OTP hiện nay, mỗi ngân hàng có một hệ thống riêng, tuy nhiên nếu sử dụng chữ ký số, một người có thể sử dụng một chữ ký số cho nhiều ngân hàng khác nhau. Từ đó, giúp giảm chi phí đi đáng kể”, ông Tuấn Anh nói.

 

Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của nền kinh tế số tại Việt Nam, chữ ký điện tử - chữ ký số được xem như một trong những công cụ đắc lực nhất phục vụ công cuộc chuyển đổi số./.

 

Theo VOV.VN