Banner

Giá điện tại các nước đang được tính thế nào?

Ở một số nước trên thế giới, người dân có quyền tự do lựa chọn đơn vị cung cấp điện và không phải tính theo cấp bậc.

 

Khác với ở Việt Nam, EVN là tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước, được phép độc quyền kinh doanh, phân phối điện trong hệ thống quốc gia thì ở một số nước trên thế giới người dân được tự do lựa chọn đơn vị cung cấp cũng như cách tính giá điện.

 

Không tính theo bậc thang, được lựa chọn đơn vị cung cấp

 

Tại Đức, nước này không quy định khung giá điện mà tuỳ theo từng công ty cung cấp điện. Song, giữa các công ty không chênh lệch giá quá nhiều.

 

Ngoài tiền điện, mỗi năm người dân phải trả thêm khoảng 100 Euro cho tiền cung cấp đường điện và các dịch vụ khác. Đặc biệt, các công ty cung cấp điện có nhiều phương án khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện, khi số kWh càng cao, giá tiền càng rẻ.

 

Ở một số nước trên thế giới người dân được tự do lựa chọn đơn vị cung cấp
cũng như cách tính giá điện. Ảnh minh họa.

 

Tương tự ở New Zealand, đâu đâu cũng có đơn vị cung cấp điện và nhiều nhất lên tới 20 đơn vị như ở thành phố Auckland.

 

Tại New Zealand có một website để cung cấp thông tin về đơn vị cung cấp điện cho khách hàng so sánh và lựa chọn tuỳ theo mức sử dụng và khu vực. Do có nhiều đơn vị nên sự cạnh tranh rất rõ rệt.

 

Nếu người tiêu dùng không ưng ý với dịch vụ và giá điện của đơn vị này có thể lập tức đổi sang đơn vị khác. Vì vậy, các nhà cung cấp đều đưa ra nhiều mức khuyến mãi để thu hút người sử dụng.

 

Hiện giá điện ở Auckland không tính theo giá bậc thang mà tuỳ theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng với phí quản lý hàng ngày và chi phí khác.

 

Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia đang áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang như ở Việt Nam. Đơn cử, biểu giá điện của Thái Lan quy định hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng có 7 bậc thang lũy tiến, hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng giảm còn 3 bậc hay tại Malaysia, biểu giá điện lũy tiến 10 bậc, Philippines lũy tiến 8 bậc...

 

Giá bán điện tại Việt Nam được tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc

 

Hiện giá bán điện được tại Việt Nam được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc. Trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh thì sự khác biệt không có nhiều. 

 

Tuy nhiên, nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên tương đương 401 kwh phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.

 

Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc.

 

Chính sách giá điện bậc thang là cần thiết trong điều kiện phải tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, biểu giá trên được yêu cầu sửa để phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là khi số hộ tiêu thụ dưới 50 kWh đã ít hơn trước. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra phương án điều chỉnh từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.

 

Giá điện sinh hoạt 5 bậc trong đó bậc 1 giữ như mức giá theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

 

Bộ Công Thương đang đề xuất phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt
chia 5 bậc thang, thay vì 6 như hiện tại. (Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, 5 bậc cũng mới chỉ là một phương án đang được tính đến sau khi lấy ý kiến năm 2019. Do COVID-19 nên Bộ Công Thương đã xin lùi thời hạn xem xét và áp dụng cách tính hóa đơn tiền điện theo bậc thang mới. Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện các phương án để trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Bên cạnh đó Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp điện sẽ cơ bản hoàn thành sớm việc lắp đặt công tơ điện tử cho toàn bộ khách hàng vào năm 2025.

 

Theo VTV.VN