Banner

Dịch nCoV kéo tăng trưởng chậm lại, bất lợi cho tâm lý đầu tư

Để ứng phó với dịch nCoV, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng...

 

Theo kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, nếu dịch viêm phổi nCoV được khống chế trong quý I thì tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,27%. Còn nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II, tăng trưởng kinh tế là 6,09%. Như vậy, tăng trưởng được đánh giá sẽ đạt thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 6,8%.

 

Nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV, trong đó nặng nề nhất là du lịch,
kho bãi vận chuyển, bán lẻ, nông nghiệp...(Ảnh minh họa)

 

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có thể chưa thể đánh giá hết tác động của dịch corona đến kinh tế Việt Nam trong năm 2020, nhưng nếu tình hình kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

 

Cần đánh giá gấp tác động của dịch, để điều hành kịp thời

 

TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, kinh tế Việt Nam thuộc loại mở, hội nhập và kết nối hàng đầu trên thế giới và phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, nên tác động về kinh tế chắc chắn không nhỏ, cả trực tiếp và gián tiếp.

 

TS. Nguyễn Đình Cung

 

Về tác động trực tiếp, ông Cung nêu rõ: Trước hết phải nhắc tới du lịch. Khách du lịch đến từ Trung Quốc sẽ giảm từ vài triệu lượt xuống còn mức không đáng kể. Bên cạnh đó, khách du lịch từ các nước khác vào Việt Nam cũng sẽ giảm đáng kể.

 

Sự sụt giảm của du lịch sẽ làm giảm quy mô và tốc độ tăng trưởng của các ngành liên quan, như giao thông - vận tải, dịch vụ lưu trú, bán buôn, bán lẻ... Trong số này, giao thông - vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống chịu tác động lớn. Hiện nay, ngành vận tải và kho bãi đang đóng góp khoảng gần 3% GDP và khoảng 0,22 - 0,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP; dịch vụ lưu trú đóng góp gần 4% GDP và khoảng 0,25-0,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Nếu hai ngành này giảm, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

 

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng sẽ giảm sút do cầu nhập khẩu giảm và do việc ngăn cản thông quan hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản, để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Xuất khẩu nông sản giảm sút mạnh chắc chắn gây tác động bất lợi lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại rau quả theo mùa vụ. Hiện nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp khoảng 14% GDP và khoảng 0,5 điểm phần trăm về tốc độ tăng trưởng GDP...

 

Về tác động gián tiếp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, GDP thế giới giảm, với tính toán thiệt hại sơ bộ lên tới 160 tỷ USD, nên cầu xuất khẩu giảm, làm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm. Hệ lụy kéo theo là sự khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong các ngành, nghề trên, có thể dẫn tới khả năng thiếu việc làm, giảm thu nhập của nhiều lao động... Cầu tiêu dùng trong nước có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng giảm, từ đó kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm...

 

Tình hình này còn tác động bất lợi đến tâm trạng đầu tư, làm thị trường chứng khoán suy giảm, thu hút vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp sẽ giảm.

 

Theo đánh giá của nguyên Viện trưởng CIEM, quy mô và mức độ tác động hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Giả sử dịch kéo dài hết quý II, thì tốc độ tăng trưởng có thể bị giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, tác động còn lớn hơn.

 

Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc thực sự, cần có đánh giá nhanh, kịp thời, gắn với điều hành phát triển kinh tế - xã hội của năm nay, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

 

Cần thận trọng khi hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô

 

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tác động của dịch virus corona sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam trên cơ sở đó lan ra quan hệ kinh tế với các nước khác. Cùng với đó, gây sự xáo trộn nền kinh tế nội địa Việt Nam, tạo ra chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất và đời sống người dân.

 

TS. Nguyễn Đức Thành


TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý: Việt Nam là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm rất lớn, du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính trong năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

 

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt’ lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

 

Về dài hạn, Viện trưởng VEPR cho rằng, trước khi dịch nổ ra ở Trung Quốc và lan sang Việt Nam, dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Tuy nhiên, VERP đã dự báo mức này khó đạt được và chỉ ở mức 6,4%. Hiện nay, bệnh dịch nổ ra thì mức dự báo được điều chỉnh dưới 6% trong năm nay.

 

Về giải pháp kinh tế, cần lường trước những ngành bị suy giảm về tăng trưởng sản lượng, đây là rủi ro thị trường bất khả kháng, nên người bị rủi ro phải chấp nhận và tự đưa ra biện pháp giải quyết rủi ro cho mình như chuyển đổi thị trường, phương thức sản xuất. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

TS. Nguyễn Đức Thành khuyến cáo, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác như bất động sản sẽ dễ gây ra bong bóng thị trường hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.

 

Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô, các cơ quan chức năng nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành, TS. Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm./.

 

Theo VOV.VN