Banner

Không quá lo ngại nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm

Tổng lượng thực phẩm không bị xáo trộn bởi sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng cùng nhiều giải pháp giải bài toán thiếu thịt lợn.

Công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua, góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi lợn và chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản... để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn... Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng...


Thị trường thịt lợn trong nước tiếp tục tăng “nóng”, điều mà người tiêu dùng lo ngại giá lợn hơi liệu có tăng cao như Trung Quốc và nguồn cung thịt lợn trong nước những tháng cuối năm có khan hiếm?

 

Chủ động nguồn cung thịt lợn

 

Từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi tăng chóng mặt. Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn ở miền Bắc đang dao động từ 60.000 - 63.000 đồng/kg; Bắc Giang và Vĩnh Phúc cao nhất với mức giá 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung dao động 50.000 - 57.000 đồng/kg. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mức giá từ 56.000 - 60.000 đồng/kg. Tại hai “thủ phủ” lớn nhất cả nước về chăn nuôi, Hà Nội có mức giá là 62.000 đồng/kg và Đồng Nai 55.000 đồng/kg.

 

Dự báo trong những tháng cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm
200.000 tấn so với năm trước.

 

Biến động giá thịt lợn nhận được nhiều sự quan tâm bởi đây là mức giá  cao kỷ lục trong vòng hai năm trở lại đây. Nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tả lợn châu Phi dẫn đến sản lượng thịt lợn giảm 8%, giá trị sản xuất giảm 0,6%. Điều mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay là liệu thời gian tới giá lợn hơi Việt Nam có tăng phi mã bằng với giá lợn tại Trung Quốc là 100.000 đồng/kg?

 

Giải đáp lo ngại này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: “Giá lợn sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, nhưng sẽ không quá cao như Trung Quốc”.

 

Cơ sở của nhận định trên là Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn đến ngày 31/8/2019. Theo số liệu báo cáo của 56 tỉnh, thành phố, số lượng lợn hiện trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tả châu Phi đã và đang có chiều hướng giảm mạnh so với trước với số lượng lợn nái hiện nay, ngành chăn hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết.

 

Bên cạnh đó, tình hình nhập khẩu thịt lợn tăng cao 9 tháng đầu năm nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước. Nhập khẩu lợn 9 tháng đầu năm nay là 14,8 ngàn tấn, cao so với năm 2018 chỉ là 12,8 nghìn tấn cho cả năm.

 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng vì đang thiếu hụt nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm phụ như chân giò, nội tạng hay khấu đuôi... còn sản phẩm chính như thịt thăn vẫn 380.000 đồng/kg cho đến 400.000/kg, chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng lớn. Mức tăng này không gây khó khăn nhiều cho sản xuất trong nước, và thị trường trong nước không bị mất cân đối.

 

Nhiều giải pháp cho bài toán thiếu thịt lợn

 

Trao đổi với báo chí về khả năng cung ứng thịt lợn dịp cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng chăn nuôi năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều.

 

Dự báo, trong những tháng cuối năm, sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm 200.000 tấn so với năm trước. Tuy nhiên, tổng lượng thực phẩm không bị xáo trộn bởi sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng. Hiện có nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thiếu thịt lợn.

 

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khuyến khích tăng đàn ở những trang trại lớn chăn nuôi an toàn sinh học; những nơi đã an toàn thì tái đàn. Bên cạnh đó, thịt lợn thiếu hụt được tính toán bù thêm bằng các mặt hàng thịt khác như bò, gà...

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn vì sử dụng chế phẩm sinh học tăng đề kháng cho vật nuôi, chắc chắn sẽ phòng tránh được dịch rất lớn.

 

Tuy nhiên, ông Trọng khuyến cáo, đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học cũng không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh. Ví dụ như Thanh Hóa một số xã tái dịch xảy ra với số lượng lợn buộc phải tiêu hủy là 92%./.

 

Theo VOV.VN