Thứ Sáu, 04/10/2024 06:18

VINASA tổ chức Hội nghị chiếc lược, định hướng thúc đẩy công nghiệp bán dẫn

02/02/2024 - 09:13 | Khoa học và Công nghệ

Tại Hội nghị chiến lược tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, VINASA thống nhất định hướng chiến lược cho hoạt động của Hiệp hội và các Hội viên trong thời gian tới.

Tham gia thúc đẩy công nghiệp bán dẫn là một trong những định hướng của VINASA

 

Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức lớn, dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển GDP cao trên 5%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành Công nghiệp ICT đạt hơn 3.3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,49% so với năm 2022, và thấp hơn nhiều tăng trưởng toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Công nghệ số đã phải đối mặt với một năm rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, VINASA đã nỗ lực rất nhiều để không chỉ hoàn thành kế hoạch đặt ra mà còn thúc đẩy các hoạt động tăng cường kết nối, phát triển thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, nâng cao vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế. 

 

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bên cạnh các hoạt động thường niên, VINASA thống nhất 04 định hướng chiến lược cho hoạt động của Hiệp hội và các doanh nghiệp Hội viên trong thời gian tới.

 

Tham gia thúc đẩy công nghiệp bán dẫn

 

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Những tên tuổi lớn nhất trong hệ sinh thái Bán dẫn của thế giới đã và đang lựa chọn Việt Nam để đầu tư cho các hoạt động từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến sản xuất, chế tạo như: như Nvidia, Intel, Samsung, Apple, Foxconn, Amkor, Synosys, …. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực rất lớn xây dựng những chính sách, chuẩn bị nguồn lực định hướng Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu của thế giới. Thêm vào đó, trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số tạo ra nhu cầu rất lớn về các Chip bán dẫn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

 

Nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và Hội viên VINASA nói riêng, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế, Kiểm thử, Hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế, VINASA quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Bán dẫn tại Việt Nam thông qua các hoạt động: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm; kết nối hợp tác; R&D, qua đó hình thành lực lượng doanh nghiệp, chuyên gia tham gia vào hệ sinh thái phát triển chíp, bán dẫn toàn cầu; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp tham gia, và chỉ đạo hoạt động của Ủy Ban.

 

Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh 

 

Chuyển đổi xanh là xu hướng và chủ đề được quan tâm trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi thế giới đang chuyển dịch các chính sách thắt chặt về giảm carbon, hướng tới Net-Zero. Dẫn đầu là các khu vực châu Mỹ, châu Âu với các chính sách điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM và đang dần có tác động lan rộng đến khu vực Châu Á. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải 43,5% vào năm 2030 và Net-Zero vào năm 2050. Theo báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng ESG của Việt Nam năm 2022: 88% doanh nghiệp cam kết giảm phát thải trong 2-4 năm tới, tuy nhiên 71% không tự tin về năng lực ESG, 56% doanh nghiệp có nhu cầu thuê tư vấn, kiểm toán về ESG. Làn sóng chuyển dịch dòng vốn xanh rất lớn. Các ngân hàng tiên phong chuyển đổi xanh, ưu tiên danh mục tín dụng xanh (VPB, LVP, TPB,...). Các Doanh nghiệp hàng đầu (Vinamilk, Vinfast, Unilever, P&G, Pepsi,...) coi ESG là mục tiêu song hành cùng chiến lược kinh doanh.

 

Chuyển đổi số xanh là làn sóng tiếp theo có xu hướng phát triển nhanh và tác động trên quy mô toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững. Đây là một thị trường mới mà các doanh nghiệp công nghệ cần có được nhận thức đầy đủ, chuyển dịch nhanh chóng để bắt kịp xu hướng mới, không chỉ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp mà còn tư vấn chuyển đổi cho khách hàng, đối tác, để đáp ứng được nhu cầu, thị trường toàn cầu, cũng như góp phần thực hiện cam kết của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Để thích ứng kịp thời trước làn sóng chuyển đổi ESG, trong năm 2024 VINASA sẽ phối hợp lên kế hoạch cụ thể, định hướng đưa ra các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp cần tiếp cận các tiêu chuẩn, hệ thống, sắp xếp các giải pháp, hợp tác để kết nối thành các Bộ giải pháp giúp chuyển đổi xanh, thúc đẩy chiến lược tăng trưởng kép Xanh và Số, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

 

Innovation Hub

 

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, VINASA định hướng tập hợp các nguồn lực, đặc biệt là về chuyên gia, công nghệ và nguồn vốn để thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Nhiệm vụ trong thời gian tới là mang lại giá trị đích thực cho xã hội và con người thông qua đào tạo, kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam, hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện, trường, thiết lập chương trình ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng mạng lưới mentor, kết nối với các quỹ, nhà đầu tư, thiết lập phòng thí nghiệm chung,...

 

Digital Trust

 

Là hoạt động đánh giá, chứng nhận uy tín, kinh nghiệm, năng lực của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. VINASA định hướng hợp tác với các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm xây dựng và triển khai dịch vụ mới Digital Trust – nhằm giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm được những địa chỉ cung cấp dịch vụ, giải pháp đáng tin, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong thời đại số, góp phần tăng trưởng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm