Banner

EU lên danh sách kiểm soát các "ông lớn" công nghệ

Các công ty công nghệ trong danh sách của EU sẽ phải chia sẻ dữ liệu với đối thủ, minh bạch hơn về cách thức thu thập thông tin và thậm chí có thể bị chia tách.

 

Theo Thời báo Tài chính, kế hoạch mới của Liên minh châu Âu (EU) nhắm tới việc giới hạn hơn nữa sức mạnh thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Apple. Nguồn tin thân cận cho hay các nền tảng lớn có tên trong danh sách hạn chế sẽ phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn so với các đối thủ cạnh tranh có quy mô nhỏ hơn, bao gồm việc chia sẻ dữ liệu với các đối thủ và có nghĩa vụ minh bạch hơn về cách thức thu thập thông tin.

 

Danh sách các hãng công nghệ lớn sẽ được tổng hợp dựa trên một số tiêu chí bao gồm thị phần, doanh thu và số lượng người dùng, đồng nghĩa với việc số lượng lượt like trên Facebook hay Google cũng có thể được tính vào. Những nền tảng quan trọng đến mức các công ty đối thủ không thể thực hiện giao dịch mà không sử dụng đến cũng sẽ được đưa vào danh sách.

 

Các đại gia công nghệ Mỹ là mục tiêu hàng đầu mà giới chức EU nhắm tới
 (Nguồn: Reuters)

 

Động thái này là một phần trong nỗ lực ngày càng gia tăng mạnh mẽ của giới chức EU nhằm buộc các công ty công nghệ lớn thay đổi phương thức kinh doanh, mà không cần tới một cuộc điều tra toàn diện hoặc các bằng chứng cụ thể cho thấy các công ty đã vi phạm luật hiện hành. Trước đó, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng các quy định quản lý hiện tại là không đủ hiệu quả và kịp thời để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ.

 

Số lượng chính xác cũng như tiêu chí cụ thể của các công ty bị đưa vào danh sách vẫn đang được thảo luận. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy EU nghiêm túc đến mức nào trong việc hạn chế sức mạnh của các nền tảng công nghệ khổng lồ. Thời báo Tài chính dẫn một lời một chuyên gia giấu tên, có am hiểu sâu sắc về các cuộc thảo luận của giới chức EU cho biết: "Sức mạnh thị trường to lớn của các nền tảng này không có lợi cho sự cạnh tranh".

 

Thay vì dừng lại ở các khoản tiền phạt, EU đang muốn nhanh chóng buộc các công ty như Amazon, Apple phải đảm bảo quyền truy cập cho các đối thủ cạnh tranh và chia sẻ dữ liệu với các đối thủ. Trong những trường hợp cần thiết, EU thậm chí sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề về cấu trúc bằng cách chia tách Big Tech (các công ty công nghệ lớn), hoặc buộc các công ty này phải bán các đơn vị kinh doanh nếu họ có khả năng gây bất lợi cho các đối thủ.

 

Các công ty Mỹ được dự báo sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách này, điều có thể thổi bùng các cuộc tranh cãi, thậm chí là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và EU. Mới đây, ông Valdis Dombrovskis - tân Cao ủy Thương mại của EU - đã lên tiếng cảnh báo sẽ đánh thuế bổ sung lên hàng xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu, trừ phi Washington rút lại mức thuế trừng phạt đối với hơn 7 tỷ USD của châu Âu.

 

Giới chức EU hiện cũng đang chuẩn bị các dự thảo đề xuất về việc điều chỉnh quy định trong lĩnh vực Internet của khối lần đầu tiên sau hai thập kỷ. Các đề xuất cho Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số mới dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 12, trong đó giới chức EU sẽ tìm cách tăng cường trách nhiệm của các nền tảng khi đề cập đến việc kiểm soát nội dung bất hợp pháp hoặc sản phẩm bán trực tuyến.

 

Một chuyên gia nêu rõ: "Internet mà chúng ta biết đang bị hủy hoại. Các nền tảng lớn đang xâm lấn, trả ít thuế và phá hủy sự cạnh tranh. Đây không còn là mạng Internet mà chúng ta mong muốn".

 

Những nỗ lực hạn chế sức mạnh của các nền tảng công nghệ lớn cũng đang dần vượt ra ngoài khuôn khổ EU. Tại Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường muốn có quyền xem xét kỹ lưỡng hơn các vụ sáp nhập kỹ thuật số, vốn thường nằm dưới ngưỡng giám sát bắt buộc.

 

Trong khi đó, chính tại nước Mỹ, một báo cáo mới đây của Quốc hội đã chỉ ra rằng các Big Tech đã lạm dụng sức mạnh thị trường quá mức và đề xuất các nền tảng này cần cơ cấu lại toàn bộ hoạt động kinh doanh.

 

Theo VTV.VN