Banner

Chung tay phục hồi du lịch sau COVID-19

Du lịch miền Trung cũng như cả nước vừa trải qua một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Năm 2021, với những tín hiệu lạc quan từ việc điều chế thành công vaccine COVID-19 mang đến cơ hội phục hồi, vực dậy ngành công nghiệp không khói, hướng đến sự phát triển bền vững.
Ngành du lịch Đà Nẵng tổ chức đón đoàn du khách đầu tiên đến
tham quan, du lịch trong năm 2021 - Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Khách nội địa - giải pháp cho ngành du lịch

 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc phục hồi thị trường là giải pháp cốt lõi để giúp doanh nghiệp du lịch duy trì và tiếp tục hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phục hồi lượng du khách, cần thực hiện từng bước, có lộ trình tùy theo diễn biến và sự kiểm soát dịch COVID-19 trong nước và thế giới.


Theo ông Dũng, bước sang năm 2021, khi tình hình dich trong nước cơ bản kiểm soát được dịch, không còn ca mắc mới trong cộng đồng, khách nội địa sẽ là lực lượng đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Với tín hiệu lạc quan từ việc điều chế thành công vaccine COVID-19, từ quý III năm 2021, ngành du lịch có thể mở cửa đón khách từ các thị trường gần và được tiêm vaccine, dự kiến gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…

 

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunworld cho rằng, để vực dậy ngành du lịch sau COVID-19, cần phát huy sức mạnh tập thể, để tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường.

 

Việc cần làm là tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm: Chính phủ - doanh nghiệp - địa phương nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Cần tạo cơ chế trao quyền dẫn dắt cho địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết này.

 

Mở cửa bầu trời nội địa

 

Ông Đinh Việt Hương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực - Giám đốc điều hành Vietjet, cho rằng: “Năm qua là một năm thật sự khác biệt với rất nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch khi chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất vì dịch bệnh COVID-19. Nhưng chúng ta có thể tự hào khi Việt Nam là quốc gia kiểm soát rất tốt dịch bệnh và đã nhanh chóng ổn định trở lại các hoạt động kinh tế, du lịch và chúng tôi tin rằng đây chính là cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa với 100 triệu dân, cũng như củng cố các nền tảng vững chắc, phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng đón du khách quốc tế trở lại trong thời gian tới với hình ảnh “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

 

Theo đại diện Vietjet, trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa vẫn là trọng tâm. Do đó, các chuyến bay nội địa cần được đẩy mạnh để kích cầu. Ngành du lịch thu được nhiều hơn từ chi tiêu cho khách sạn, lưu trú, ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, và thuế. Ước tính, việc mở cửa bầu trời nội địa cũng sẽ giúp chúng ta khai thác được khoảng 10 triệu khách Việt thường xuyên đi du lịch nước ngoài hằng năm. Để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, ông Đinh Việt Hương cho rằng cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch. 

 

Hiện nay, ngành du lịch Đà Nẵng đang tập trung kích cầu thị trường nội
địa, từng bước khôi phục tăng trưởng du lịch - Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Thay đổi để thích nghi

 

Theo ông Dương Phú Nam, do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch đã phải điều chỉnh, từ chiến lược kinh doanh, làm mới sản phẩm cho đến quảng bá, tiếp cận khách hàng… để thích nghi với tình hình mới, để sống chung với dịch.

 

Ông Nam dẫn chứng, dịch COVID-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… hiện đang là xu hướng được ưa chuộng. Thực tế cũng cho thấy, việc Sun Group đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) vào tháng 5/2020, ngay thời điểm đợt COVID-19 lần thứ nhất vừa chấm dứt, đã đáp ứng trúng thị hiếu, nhu cầu mới của du khách, bởi đây là sản phẩm hướng tới việc thư giãn, chăm sóc sức khỏe. Từ đó đến nay, Yoko Onsen Quang Hanh luôn có lượng khách duy trì đều đặn, thậm chí cuối tuần là kín khách.

 

Do vậy, ông Nam đề xuất Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền…

 

Còn ông Cao Trí Dũng cho rằng năm 2021, các tour du lịch trong ngày, tour nghỉ dưỡng riêng biệt, tour nông thôn, sinh thái, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, thể thao giải trí là mục tiêu được du khách hướng đến. Điểm nào có quy trình phòng chống dịch an toàn, có sản phẩm dịch vụ với giá ưu đãi thì sẽ được du khách cân nhắc, lựa chọn.

 

Theo Chinhphu.vn