Banner

Ngày du lịch trực tuyến 2019: Ứng dụng công nghệ vào du lịch

Ngày du lịch trực tuyến 2019 là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Tại Hà Nội, hôm nay (26/6), Ngày du lịch trực tuyến 2019 đã diễn ra. Đây là sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến”. 

 

Chương trình có sự tham gia của trên 600 đại biểu trong và ngoài nước và hơn 20 diễn giả đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin trong và ngoài nước...

 

Các nội dung được trao đổi tại Ngày du lịch trực tuyến năm 2019 gồm: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; nắm bắt hành vi du khách online; các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến.

 

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017 tại TPHCM, Ngày du lịch trực tuyến đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, Ngày du lịch trực tuyến 2019 là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có được tầm nhìn khái quát và những tiềm năng của ngành tại Việt Nam; đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước; học hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng triển khai du lịch trực tuyến của các công ty hàng đầu trên thế giới  bao gồm: đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch…

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngày nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng nhận thức được tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đất nước. Các ban, ngành cũng đã cố gắng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Đối với ngành du lịch, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển du lịch. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch và đạt được hiệu quả tương đối tốt.

 

"Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyến còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

 

Báo cáo Chỉ số Thương Mại Điện Tử 2019 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

 

Theo báo cáo Google và Temasek, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

 

Tầng lớp khách lẻ tăng mạnh cả inbound và outbound tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến bao gồm: kinh tế chia sẻ, ứng dụng AI, AR và VR…

 

Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, xu hướng du lịch và hành vi của du khách hiện nay đã bước sang giai đoạn khách du lịch kết nối với sản phẩm. Họ chủ động cho chuyến đi du lịch từ khâu tìm hiểu điểm đến, đặt dịch vụ… Những nhận xét, đánh giá từ chính trải nghiệm của họ được lan rộng nhanh và được những du khách khác tin tưởng hơn. Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu. Chính vì vậy, nếu chưa nắm bắt tốt xu hướng, hành vi của du khách, điều này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban Công nghệ Thông tin Vietravel cho biết, với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Theo đó, lượng khách tăng gần 10% qua các năm, riêng năm 2019 dự kiến tăng tới 30%. Doanh thu từ trực tuyến trung bình tăng 22%, năm 2019 dự kiến tăng 40%. So với cán cân thị trường nhóm khách lẻ thì online chiếm 14% lượt khách, 11% doanh thu.

 

Ông Nguyễn Bình Long khẳng định, để đạt được mục tiêu đề ra, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh đã là xu hướng tất yếu. Ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.

 

Cũng trong khuôn khổ chương trình Ngày du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến. Tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn (số 1A, phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi tổ chức sự kiện Ngày du lịch trực tuyến còn có khu vực triển lãm về các giải pháp hỗ trợ du lịch nói chung và ứng dụng du lịch trực tuyến một cách hiệu quả.

 

Theo Chinhphu.vn