Là lần đầu tiên cô và trò Trường THCS Phan Thiết được các nghệ nhân dân gian và cán bộ của Bảo tàng tỉnh giới thiệu về dụng cụ độc đáo và cả quy trình làm nên những tấm vải thổ cẩm. Một số chi tiết trong khung cửi mà đồng bào Tày từ xa xưa vẫn dùng đã mang lại nhiều điều mới lạ đối với các em học sinh. Đặc biệt, tại đây, những nghệ nhân dân gian đã giới thiệu những nguyên liệu từ thiên nhiên mà đồng bào Tày sử dụng để dệt vải. Từ sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ, nghề dệt truyền thống đã tạo ra các sản phẩm khá đa dạng. Đồng thời khẳng định giá trị của di sản văn hóa truyền thống để các em học sinh thêm trân trọng trong đời sống xã hội.
Trong kho tàng văn hóa dân gian, ngoài nghề dệt truyền thống thì trò chơi đi cà kheo cũng là nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc Tày. Trò chơi này sử dụng tất cả những phương tiện, vật liệu sẵn có ở địa phương để tạo ra chiếc cà kheo, nên được các em học sinh đặc biệt yêu thích. Trò chơi đã góp phần giáo dục cho các em ý thức cộng đồng, tinh thần đồng đội, đoàn kết, khả năng ứng xử văn hóa, thói quen và kỹ năng sinh hoạt theo nhóm. Từ đây khơi dậy niềm tự hào cho các em về cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hàng năm Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đều phối hợp với các đơn vị trường học để tổ chức các cuộc trải nghiệm và tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Bằng những nỗ lực của mình, Bảo tàng đã mang đến nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, trở thành địa chỉ cho các em học sinh trải nghiệm trong các giờ ngoại khóa./.
Bá Hương – Hữu Đông