Banner

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước và đã hành động với ước mơ đó trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển.

Chiều 19/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn thường niên lần thứ hai về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động”. Thủ tướng chủ trì phiên toàn thể với chủ đề: “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.

 

Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng thế giới, các diễn giả trong và ngoài nước, đông đảo các đối tác phát triển.

 

Đây là lần thứ hai Diễn đàn được tổ chức sau lần thứ nhất vào tháng 5/2018. Các nội dung của Diễn đàn lần này rộng hơn so với năm ngoái, bao gồm nội dung cải cách về thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên vì một Việt Nam thịnh vượng. Các chuyên gia đã thảo luận về việc hướng tới thể chế kinh tế thị trường, hội nhập và đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

 

Thủ tướng chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại các phiên trước đó, các chuyên gia đã đề nghị Việt Nam cần thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, nhanh chóng thành lập một luật về đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy sự tham gia của tư nhân trong thiết kế chính sách và phát triển hạ tầng;

 

Tại Diễn đàn, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, giáo sư Pinelopi Koujianou Goldberg cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vì đây là bước đi quan trọng của nhiều quốc gia hiện nay. Nhất là khi Việt Nam đã thành công trong xóa nghèo cùng cực và hướng tới nước có thu nhập cao. Theo đó, các quốc gia muốn nâng cao hơn giá trị toàn cầu cần nâng cao giá trị con người, lực lượng lao động có kỹ năng, đổi mới sáng tạo, đồng thời nền kinh tế phải tiếp tục có độ mở, hội nhập và hợp tác quốc tế.


Giáo sư Pinelopi Koujianou Goldberg cho biết: "Thách thức đặt ra là giá trị được tạo ra của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các giá trị nội địa của hàng hóa Việt Nam hiện vẫn khá thấp, theo các số liệu là 18%, thấp hơn ngưỡng mà các quốc gia đều phải đạt được nếu muốn bước vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng lực lượng lao động. Và như chúng tôi đã nói, muốn đưa Việt Nam lên một mức độ phát triển mới, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Có một số quan ngại lớn liên quan tới tương lai của chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó công nghệ sẽ làm mất đi nhiều công việc truyền thống của con người. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, công nghệ phát triển sẽ thúc đẩy thương mại, giúp tiết giảm chi phí cho hoạt động thương mại".

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Diễn đàn năm nay có nội dung bao trùm hơn, sự tham gia rộng rãi của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong, ngoài nước, khu vực tư nhân… Thủ tướng cho rằng, các đại biểu, trong đó có nhiều “bậc thầy” về kinh tế,  đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp cho Việt Nam.

 

Để có những thành quả hôm nay, Thủ tướng chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước với các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo. Theo đó, nếu như sau chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam trên 53% thì với công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ 1986, Việt Nam đã không ngừng vươn lên. Đến năm 1992, tỷ lệ này giảm khoảng 10 lần. Xét về quy mô dân số, đây là cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước. 

 

Nhấn mạnh thế hệ trẻ của Việt Nam ngày nay đang viết tiếp những ước mơ tiếp nối thế hệ cha anh bay cao hơn, vươn xa hơn, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có vinh dự và trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó, biến những ước mơ con trẻ trở thành hiện thực.

 

"Một Việt Nam không ngừng mơ ước và đã hành động với những ước mơ đó trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển. Ước mơ, khát vọng, hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại có những điều phải đối mặt, vượt qua. Trong đó có khả năng chống chịu và thích ứng bên ngoài của Việt Nam còn yếu, năng lực của nền kinh tế số còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng GDP chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy trung bình ngày càng cao... Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi, không chỉ có khát vọng, không chỉ có ước mơ mà phải hành động. Phải vươn lên mạnh mẽ trong tiến trình còn nhiều gian khó, thách thức này và rất mong sự hợp tác của cộng đồng quốc tế" - Thủ tướng nói.  

 

Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường, trong đó có chiến tranh thương mại của thế giới, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... Trong tình hình đó, đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực.

 

"Phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững. Thứ hai là thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Thứ ba là phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển. Đảm bảo là đầu tư cho giáo dục, thế hệ trẻ, dám ước mơ, khát vọng để vươn xa, nhất là đào tạo nghề trong các tầng lớp dân cư. Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền giáo dục quốc gia. Chỉ có con đường học tập con trẻ mới hiện thực hóa ước mơ của mình, tiếp nối ước mơ còn dang dở của cha ông".

 

Đánh giá cao các chuyên gia tại hội thảo đã thảo luận về hướng tới cải cách kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và đổi mới sáng tạo để giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Thủ tướng cho rằng, đây là những nội dung phù hợp với quan điểm chiến lược của Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chia sẻ với Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới về tầm quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu gắn với các hợp tác chuyển giao công nghệ và giao dịch thương mại có địa chỉ trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được WB đưa vào báo cáo 2020 dịp tháng 10/2019.

 

Nêu thực tế hiện mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%, tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, Thủ tướng cho rằng, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

 

"Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực, tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình".

 

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025./.

 

Theo VOV.VN