Banner

Trung Đông "dậy sóng"

Tình hình khu vực Trung Đông vốn đã nhiều rối ren nay lại tiếp tục "dậy sóng" sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công bố ý định sáp nhập thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết vào lãnh thổ nước này nếu chính trị gia 69 tuổi tái đắc cử trong cuộc bầu cử ít ngày tới.

Thung lũng Jordan rộng 2.400km2, chiếm gần 30% diện tích lãnh thổ ở Bờ Tây, nằm giáp biên giới với Jordan và thuộc sự kiểm soát của Israel kể từ sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Thung lũng này và khu vực phía Bắc Biển Chết là nơi cư trú của khoảng 650.000 người Palestine và hơn 10.000 người Israel sống rải rác trong các khu định cư. Trong khi Israel nhiều lần khẳng định không từ bỏ sự kiểm soát tại khu vực này thì Palestine lại cho rằng đây phải là một phần quốc gia tương lai của mình. Còn cộng đồng quốc tế vẫn coi sự chiếm đóng của Israel cùng các khu định cư là bất hợp pháp.

 

Ý định của Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ tranh chấp khiến tình hình
Trung Đông càng thêm rối ren.

 

Ý định sáp nhập thung lũng Jordan vào lãnh thổ Israel đã được Thủ tướng B.Netanyahu ấp ủ từ lâu. Trong nhiều năm qua, đích thân nhà lãnh đạo này cùng Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đi thị sát khu vực. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Ramat Gan, người đứng đầu Chính phủ Israel nhận định sẽ là một bước đi lịch sử nếu nước này áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây với các nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy trong nhiều tháng qua. Ông cũng nói thêm rằng, các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào ngày 17-9 tới.

 

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Israel được đưa ra nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên cực hữu. Đây không phải là lần đầu tiên chính trị gia theo đường lối cứng rắn này đưa ra một tuyên bố táo bạo về ý định sáp nhập lãnh thổ chỉ vài ngày trước thềm bầu cử. Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4, ông B.Netanyahu đã tuyên bố ý định áp đặt chủ quyền của Israel đối với các khu vực ở Bờ Tây song không đưa ra thông tin và thời gian cụ thể. Nghị sĩ Ayman Odeh, người đại diện cho các công dân Ả rập trong Quốc hội Israel lên án những tuyên bố trên và nhấn mạnh kế hoạch của Thủ tướng Israel sẽ hủy hoại khả năng về một giải pháp hai nhà nước hòa bình.

 

Trước những tranh chấp chưa ngã ngũ, thế giới Ả rập đã “dậy sóng” sau tuyên bố của Thủ tướng Israel. Hàng loạt quốc gia lên án mạnh mẽ động thái này và coi đây là bước đi làm suy yếu mọi cơ hội để tiến tới hòa bình giữa Palestine và Israel, cũng như triển vọng về một nền hòa bình ổn định và lâu dài tại chảo lửa Trung Đông.

 

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngay lập tức cảnh báo, tất cả thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Israel B.Netanyahu sáp nhập thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết. Liên đoàn Ả rập (AL) đã triệu tập một cuộc họp khẩn và tuyên bố sẵn sàng thực hiện mọi hành động pháp lý, chính trị để chống lại các chính sách của Israel. Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng khẳng định, bất kỳ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hoặc sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế.

 

Các chuyên gia lo ngại đây mới là bước đi đầu tiên của Israel. Dự định tiếp theo của Tel Aviv có thể là sáp nhập các vùng lãnh thổ khác ở Bờ Tây, được tiến hành sau khi Mỹ hé lộ phần nội dung về chính trị, vốn đã nhiều lần bị trì hoãn, trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, Nhà Trắng lại khẳng định không có sự thay đổi nào trong chính sách của Washington tại thời điểm này. Tuy nhiên, bất kỳ hành động đơn phương nào cũng sẽ gây tổn hại tới triển vọng giải quyết tranh chấp lịch sử giữa Israel và Palestine cũng như cản trở việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài ở điểm nóng xung đột này.

 

Theo Báo Hànộimới