Banner

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên về Syria: Triển vọng hòa bình lâu dài

Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề Syria với sự tham dự của lãnh đạo 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả quan trọng nhất đạt được là các bên đã ra một tuyên bố chung khẳng định ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, mở ra triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài tại quốc gia Trung Đông này.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh ba bên lần thứ 5 được tổ chức trong khuôn khổ Tiến trình Astana do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Kể từ hội nghị đầu tiên diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) hồi tháng 11-2017, ba nước ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc xung đột đã đạt một số kết quả nổi bật như các lệnh ngừng bắn được ban hành và thiết lập vùng giảm leo thang căng thẳng ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

 

Trong bối cảnh hiện nay, trọng tâm vấn đề Syria là tình hình tại tỉnh Idlib thuộc miền Bắc - thành trì cuối cùng của phiến quân với sự hiện diện của hàng chục nghìn phần tử cực đoan, trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo gia tăng.

 

Hội nghị Thượng đỉnh giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mang lại hiệu quả
tích cực cho tiến trình hòa bình Syria.

 

Một lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào cuối tháng 8-2019 đã được thực thi tại tỉnh Idlib, song các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Lực lượng quân sự của chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga hôm 15-9 đã nã pháo vào phía Nam Idlib, nhằm vào nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 12 trạm quan sát quân sự tại khu vực này, theo thỏa thuận giữa Ankara với Mátxcơva và Tehran vào năm 2017. Ngay trước thềm hội nghị ba bên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào của Chính phủ Syria vào các vị trí của nước này. Lập trường về việc mở rộng “vùng an toàn” để tránh tạo ra làn sóng người tị nạn đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nhà lãnh đạo này chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà R.Erdogan cho biết, 3 nước đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt trên phương diện giảm leo thang căng thẳng và thúc đẩy nỗ lực hòa bình ở Syria thông qua các giải pháp chính trị, đồng thời loại bỏ mọi rào cản đối với việc thành lập một ủy ban hiến pháp cho Syria. Cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất cách tiếp cận theo hướng cùng phối hợp với Liên hợp quốc hoàn thiện thành phần của ủy ban. Tuy nhiên, khung thời gian cụ thể để thành lập cơ quan này vẫn chưa được đưa ra, trong khi quá trình này phải được thực hiện nhanh chóng bởi các nhóm cực đoan sẽ có hành vi cản trở việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng giúp chấm dứt xung đột.

 

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh Lebanon và Iraq với vai trò quan sát viên của tiến trình Astana về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Lãnh đạo 3 nước đánh giá các cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào Syria đang gây bất ổn, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Dù còn nhiều quan điểm khác biệt, nhưng các bên đã bác bỏ mọi âm mưu nhằm tạo ra “thực tế mới” trên thực địa và các sáng kiến bất hợp pháp về tự trị núp dưới danh nghĩa đấu tranh chống khủng bố.

 

Xung đột địa chính trị phức tạp tại Syria không thể ngay lập tức chấm dứt thông qua một vài cuộc họp. Song, những hội nghị tương tự được tổ chức thường xuyên, hiệu quả và thực chất đang mang lại thay đổi tích cực trong việc giải quyết những vấn đề ngắn hạn và trở thành nền tảng cho hòa bình lâu dài tại quốc gia Trung Đông này. Theo kế hoạch, hội nghị tiếp theo sẽ diễn ra tại Tehran, song song với việc tổ chức thường xuyên các cuộc họp cấp chuyên viên giữa 3 nước cùng đại diện Liên hợp quốc và các nước khác trong khu vực.

 

Theo Báo Hànộimới