Banner

Gánh nặng người tị nạn

Báo cáo thường niên “Các xu hướng toàn cầu” vừa được Liên hợp quốc công bố cho thấy số người phải đi tha phương đã tăng kỷ lục trong 7 thập kỷ qua, tạo nên cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, các nước đang phát triển chứ không phải các nước phương Tây giàu có phải gánh vác gánh nặng này.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tính đến cuối năm 2018, có tới 70,8 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh tị nạn do chiến tranh hoặc bị ngược đãi tại quê nhà, trong đó trẻ em chiếm tới hơn một nửa. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 1% dân số toàn cầu buộc phải rời bỏ nhà cửa, bao gồm cả những người lánh nạn tại nước ngoài và người di chuyển tới các khu vực khác trong nước. 

 

Tuy thế giới đang đối mặt với khủng hoảng di cư, song việc chia sẻ gánh nặng của các nước vẫn chưa công bằng. Các quốc gia nghèo nhất vẫn là nơi gánh chịu khủng hoảng nặng nề nhất.

 

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, phần lớn những người tị nạn có xu hướng chạy sang các nước láng giềng, nơi cũng có mức thu nhập trung bình hoặc điều kiện sống nghèo nàn. Châu Phi hiện là nơi tiếp nhận gần 1/3 số người tị nạn trên thế giới. 

 

Báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam chỉ ra rằng, các quốc gia giàu có như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp chỉ tiếp nhận 2,1 triệu người tị nạn, trong khi nền kinh tế chiếm tới hơn 50% GDP toàn cầu. Mỹ là nước tiếp nhận số đơn tị nạn nhiều nhất thế giới, song hiện nước này vẫn còn chưa xử lý khoảng 800.000 lá đơn tồn đọng. 

 

Trong khi đó, tại châu Âu, vấn đề người di cư đã bị chính trị hóa khiến một số chính phủ không dám cam kết tiếp nhận người di cư gặp nạn trên biển trong hành trình chạy khỏi Libya hoặc các khu vực xung đột khác. Ngược lại, phần lớn người tị nạn trên thế giới sống ở các nước như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi, mặc dù GDP của những nơi này chỉ chiếm chưa đầy 2% kinh tế thế giới.

 

Ông Grandi bày tỏ lo ngại, bên cạnh những "điểm nóng" di cư khác, nếu tình hình chính trị tại Venezuela không được giải quyết, làn sóng người dân Venezuela chạy ra nước ngoài có thể lên tới 5 triệu người tính đến cuối năm 2019. Họ chủ yếu di chuyển tới các nước như Colombia, Peru và Ecuador. Bên cạnh đó, dòng người tị nạn cũng có thể gây ra phản ứng bài ngoại ở các nước có thu nhập cao, đe dọa sự đồng thuận và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 

Tổ chức Oxfam kêu gọi chính phủ các nước chấp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn bởi đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu. Các nước giàu có cần chung tay giúp đỡ các nước nghèo san sẻ công bằng gánh nặng và hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ người nhập cư.

 

Theo Báo Hànộimới