Banner

Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý dự án Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án

Chiều 19-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận. Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang góp ý cho dự án Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án.

Đại biểu Ma Thị Thúy nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án, bởi luật sẽ giúp giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. Cùng với đó, việc hòa giải thành, đối thoại thành không chỉ giúp giải quyết các tranh chấp hiệu quả tốt hơn mà còn giúp tòa án không phải mở thêm các  phiên xét xử qua nhiều giai đoạn tố tụng, tiết kiệm được thời gian chi phí của các bên liên quan. Dẫn chứng từ báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao về thí điểm công tác hòa giải đối thoại tại 16 tỉnh thành phố cho thấy, hòa giải thành với các vụ án hôn nhân gia đình là 86%, có những tỉnh trên 95%, các vụ việc về lao động trên 52%, các vụ án dân sự 47% và các vụ án kinh doanh thương mại là gần 40%. Đại biểu cho rằng điều đó đã thể hiện vai trò tích cực của công tác hòa giải đối thoại.

 

Góp ý vào phạm vi điều chỉnh dự án luật, đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm công tác này, bởi hiện nay mới chỉ quy định việc này thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện các vụ an dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại lao động, trong khi đó còn nhiều các vụ việc liên quan tới nhiều lĩnh vực khác cần được mở rộng, điều chỉnh.

 

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại phiên thảo luận tổ..

 

Đại biểu bày tỏ đối với quy định hòa giải viên không thuộc biên chế tòa án, trong khi công việc của hòa giải viên là liên quan trực tiếp tới tòa án. Nếu hòa giải viên không thuộc biên chế của tòa án, cần được quy định cụ thể, chi tiết trong dự án luật về tổ chức cơ quan nào sẽ quản lý.

 

Liên quan tới vấn đề kinh phí cho công tác hòa giải đối thoại tại tòa án, đại biểu cho rằng khi tổ chức thực lấy ý kiến thì kinh phí do nhà nước đảm bảo. Tuy nhiên, đối với các vụ việc hòa giải thành thì thu phí bằng ½ án phí như quy định hiện hành để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Cũng tại quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên tại Điều 9 dự án luật, đại biểu cho rằng trên thực tế hòa giải viên thường là những người lớn tuổi có kinh nghiệm, kỹ năng sống và có uy tín trong cộng đồng và đây được xem là tiêu chuẩn để lựa chọn. Tuy nhiên, trong luật lại quy định là hòa giải viên cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ. Quy định như trên sẽ tạo khó khăn khi tuyển dụng hòa giải viên. Trong khi đó tại điểm b khoản 2 quy định, luật sư chuyên gia, nhà chuyên môn khác có kinh nghiệm công tác ít nhất 10 năm để đạt tiêu chí tuyển dụng hòa giải viên. Đại biểu cho rằng quy định tiêu chí như vậy là quá cao, rất ít đối tượng đáp ứng được, nên chỉ quy định có kinh nghiệm 5 năm trở lên là phù hợp.

 

Theo TQĐT