Banner

Cuộc gặp thứ ba của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều: Phá vỡ bế tắc

Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên vào ngày 30-6 được đánh giá là một sự kiện lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt và mang tính biểu tượng cao.

Đặc biệt, ông D.Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, sau khi bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ.

 

Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại
khu vực phi quân sự, trưa 30-6.

 

Đây cũng là lần gặp chính thức thứ ba của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Trong vòng hơn 1 năm qua, Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã hai lần gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất vào tháng 6-2018 ở Singapore và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 vào tháng 2-2019 tại Hà Nội. Tuy nhiên, cuộc gặp lần thứ hai kết thúc mà hai bên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên. Các cuộc đối thoại liên Triều vì thế cũng bị chững lại trong nhiều tháng do quan điểm cứng rắn của Mỹ về việc duy trì cấm vận cho tới khi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.

 

Do đó, việc tổ chức cuộc gặp bất ngờ nhân chuyến thăm của Tổng thống D.Trump tới Hàn Quốc phần nào cho thấy thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nhằm giải quyết khác biệt bằng đối thoại. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại Nhà tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở DMZ và nhất trí nối lại đàm phán.

 

Bình luận về sự kiện này, nhà phân tích James Griffiths của kênh truyền hình CNN cho rằng, đây là một bước tiến rất dài và mối quan hệ dường như đang nguội lạnh giữa hai bên đã được đưa trở lại đúng hướng một cách vững chắc khi hai nhà lãnh đạo chào đón nhau với những cái bắt tay thật sự nồng ấm. Tổng thống D.Trump thậm chí gợi ý rằng hai bên có thể tiếp nối cuộc gặp tại DMZ này với một chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Nhà Trắng. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.

 

Các nhà phân tích đều nhận định cho dù khá ngắn ngủi nhưng cuộc đối thoại giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại biên giới liên Triều đã phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân sau khoảng 4 tháng gián đoạn. Đặc biệt là trong cuộc gặp lần này, Tổng thống D.Trump lại ít nhắc tới từ "phi hạt nhân hóa". Theo một số cựu quan chức ngoại giao Mỹ, chi tiết này cho thấy, người đứng đầu nước Mỹ có thể đã ý thức được rằng, phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ là một tiến trình kéo dài đầy khó khăn và không thể vội vàng.

 

Bên cạnh đó, sự kiện lịch sử ở DMZ cũng sẽ mang lại sức bật cần thiết cho các mối quan hệ liên Triều. Mặc dù nội dung chi tiết của hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ được thảo luận tiếp trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai, song nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định được cam kết của lãnh đạo Mỹ-Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa. Điều đó tất yếu sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

 

Tuy vậy, tái khởi động đàm phán hạt nhân sẽ là một tiến trình căng thẳng, có thể kéo dài nhiều năm bởi cả hai bên cần có thời gian để xác nhận sự minh bạch nhằm xây dựng niềm tin sau quá nhiều nghi kỵ. Chỉ khi có được lòng tin, các bên mới có thể cùng nhau hành động và thúc đẩy các nỗ lực để đến đích cuối cùng. Dẫu rằng hành trình phía trước còn không ít trắc trở nhưng bằng cuộc gặp bất ngờ tại DMZ, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gửi đi thông điệp về quyết tâm xây dựng lại mối quan hệ đã bị sứt mẻ thời gian qua, từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp hóa giải bất đồng, thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mang lại hòa bình lâu dài cho khu vực.

 

Theo Báo Hànộimới