Banner

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, quy định nguyên tắc, hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng Bộ đội Biên phòng; hợp tác quốc tế, phối hợp và đảm bảo thực thi hoạt động biên phòng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ảnh minh họa

 

Dự thảo nêu rõ, nhiệm vụ biên phòng gồm: Quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở khu vực biên giới, cửa khẩu; thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu. Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

 

Đồng thời xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự vững mạnh; xây dựng công trình biên giới; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang ở khu vực biên giới; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường ở khu vực biên giới. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền biên phòng toàn dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững mạnh. Quy hoạch bố trí dân cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

 

Lực lượng Bộ đội Biên phòng

 

Về vị trí, chức năng, Bộ đội Biên phòng là quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội Biên phòng.

 

Theo dự thảo, Bộ đội Biên phòng có quyền: Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ, trang bị kỹ thuật nghiệp vụ và cơ động trong khu vực biên giới, cửa khẩu để thực hiện nhiệm vụ quy định. Hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu, qua lại biên giới theo quy định pháp luật; cấp các loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xuất nhập cảnh theo quy định pháp luật. Xây dựng, quản lý các công trình biên giới theo yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; tiến hành các phương thức hoạt động tình báo biên phòng theo quy định pháp luật về tình báo; áp dụng các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật về an ninh quốc gia.

 

Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quy định pháp luật liên quan; huy động, sử dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, tàu thuyền và người điều khiển phương tiện giao thông, tàu thuyền của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp chiến đấu, truy lùng, truy đuổi người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

 

Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng bao gồm: a) Bộ Tư lệnh Biên phòng; b) Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng; c) Đồn Biên phòng và các đơn vị tương đương. Ngày 03 tháng 3 hàng năm là Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và là Ngày Biên phòng toàn dân.

 

Nhà nước đảm bảo hoạt động, chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định pháp luật.

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng vũ trang nhân dân thực thi nhiệm vụ biên phòng được Nhà nước bảo vệ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Theo Chinhphu.vn