Banner

 (TTV) Tuyên Quang thu hút đầu tư trong chế biến lâm sản

Với việc đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ rừng ở mức cao gần 65%, tỉnh Tuyên Quang đang từng bước biến khó khăn thành lợi thế để phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp. 

 

Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động hiệu quả, Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã khẳng định được sự lớn mạnh không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn chinh phục thị trường các nước Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản và các nước thành viên của Liên minh châu Âu EU… Không những thế, mới đây công ty còn tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng thêm 3 nhà máy thuộc Cụm công nghiệp chế biến gỗ thứ 2 tại tỉnh Tuyên Quang. Với quy mô rộng trên 28 ha và công suất thiết kế là 150.000m3 sản phẩm mỗi năm. Cụm công nghiệp chế biến gỗ mới này đi vào hoạt động đã tạo thêm công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động của địa phương. 

 

 

Năm nay là năm thứ 8, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đi vào sản xuất chính thức. Hiện nay, đơn vị có hai dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy. Mỗi dây chuyền đều có công suất là 140.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ lực là giấy và bột giấy được tiêu thụ trong nước và 30% số sản phẩm được xuất khẩu đi các nước. Tạo việc làm cho hơn 800 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động tham gia trồng rừng. Công ty đang đầu tư khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150.000 tấn/năm.

 

 

Thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ phát triển, Tuyên Quang đang tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm sản và xây dựng 3 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ. Nâng tổng số lên 9 nhà máy với tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu trên 1.000.000 m3/năm. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu nguyên liệu gỗ cho chế biến khoảng trên 2.300.000 m3/năm…Để đạt kế hoạch này, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo điều kiện cho các nhà máy phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu. Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích gần 25.000 ha. Hiện Tuyên Quang đã có Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa là cơ sở sản xuất, chế biến lớn nhất cả nước. Các nhà máy chế biến gỗ khác như: Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất đũa Phúc Lâm, Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Ha Hang, Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu... Phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước, gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững.


Coi phát triển lâm nghiệp là một trong những hướng kinh tế mũi nhọn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chế biến lâm sản. Hướng đi này vừa khai thác được tiềm năng thế mạnh về đất rừng, vừa giúp hàng nghìn người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững./. 

 

Minh Khuyên –Lê Thắng – Trung Hiếu