Banner

Online Friday năm 2019 có đạt được kỳ vọng?

Ngày mua sắm trực tuyến 2019 đã được khởi động, nhưng liệu có đạt kỳ vọng là câu hỏi đang được đặt ra.

Cầu nối đưa hàng chính hãng đến tay người dùng


Năm 2019, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng đạt trên 30%/năm với sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp với hàng loạt sàn TMĐT, trang bán hàng. Năm 2019 cũng chứng kiến sự sôi động của xu hướng phát triển nền kinh tế số với chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ số, phát huy các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ.

 

Online Friday ra đời với mục đích giúp người tiêu dùng có thể mua được hàng giảm giá, nhưng không phải chờ đợi, chen chúc và xô đẩy tại các cửa hàng, trung tâm thương mại. Online Friday được tổ chức vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 tại Việt Nam, chỉ áp dụng cho hình thức mua hàng trực tuyến qua mạng.

 

Ảnh minh họa: KT

 

Online Friday là cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cận và đưa sản phẩm chính hãng đến tay người tiêu dùng. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của nhiều tên tuổi lớn về kinh doanh trực tuyến. Có thể nói, Online Friday là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh toàn cảnh thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển TMĐT trong kỷ nguyên kinh tế 4.0. Năm 2019, là năm thứ 6, Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) được tổ chức tại Việt Nam.

 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, chương trình ngày càng được doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng tích cực và được xã hội đánh giá cao. Năm 2014, chỉ có 1.000 doanh nghiệp tham gia với 3.226 sản phẩm khuyến mãi, tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 154 tỷ đồng. Đến năm 2018 đã có 3.000 doanh nghiệp tham gia với 27.000 sản phẩm, tổng giá trị hàng hóa được giao dịch ước tính hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó có 1,8 triệu đơn hàng, thu hút hơn 25 triệu lượt tương tác của người tiêu dùng trên hệ thống và mạng xã hội.

 

Năm nay, mục tiêu của Online Friday sẽ đạt được 1.000 thương hiệu, doanh nghiệp sản xuất và phân phối chính hãng tham gia, 50.000 mã hàng chính hãng, 200.000 khách hàng mua hàng thành công qua voucher, với tổng giá trị đơn hàng là hơn 2.500 tỷ đồng.

 

Đồng thời sẽ có 20 triệu lượt tương tác của khách hàng, 300.000 lượt tải app chương trình, 2 triệu lượt tương tác, quét QR Code và 50% người tiêu dùng được truyền thông và trải nghiệm chương trình với những lợi ích thiết thực, mức khuyến mãi hấp dẫn. Đồng thời cũng xây dựng một liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT.

 

Có đạt được kỳ vọng?

 

Theo đại diện của Bộ Công Thương, Online Friday đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã dần thay đổi từ mua bán hàng hóa trực tiếp sang mua sắm online. Kết hợp cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại đã kích thích hành vi mua sắm online của người Việt. Người mua sắm có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh để trải nghiệm những tiện ích của các ứng dụng đem lại cùng với các voucher, khuyến mãi, mini game hấp dẫn...

 

Mặc dù rất mong đợi ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhất là tình trạng khuyến mãi “ảo” của các gian hàng. Bởi đây là thực tế đã diễn ra của một số chương trình Online Friday trước đây. Thậm chí, còn có cả doanh nghiệp nằm trong Ban tổ chức cũng bán hàng giả, đưa khuyến mại ảo lừa người tiêu dùng.

 

Nhiều doanh nghiệp tham gia Online Friday với tư tưởng trục lợi, nâng giá rồi giảm giá, cho nên dù sản phẩm có giá giảm sâu lên đến 40% người tiêu dùng vẫn không được lợi. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, chiêu trò các gian hàng tự ý nâng giá sản phẩm, sau đó dán mác khuyến mãi giảm giá để lừa người dùng là không mới, nhưng do thiếu hình thức xử phạt, cách xử phạt chưa đủ tính răn đe, mức phạt ít không đáng kể so với lợi nhuận mang lại nên tình trạng này vẫn tiếp diễn.

 

Mặt khác, việc xử lý lại không thể tiến hành ngay lập tức, chỉ xử lý được sau khi chương trình kết thúc. Vì vậy, khách hàng nếu mua phải những sản phẩm như vậy thì cũng không thể trả được hàng vì tiền đã được thanh toán. Ban tổ chức chỉ tiếp nhận thông tin, xác minh và công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm sau khi hoạt động Online Friday kết thúc.

 

Thậm chí, nhiều người dùng năm 2018 còn nhận xét Online Friday chưa đạt được kỳ vọng vì mặt hàng ít, ghi 0 đồng nhưng kích vào thì lại báo giá khác. Xem sản phẩm trong từng cửa hàng thì không xem được. Mặt hàng quá ít, không được như quảng cáo. Không có khuyến mại, không đúng như trong quảng cáo. Nickname hoacolau chia sẻ trên trang của ban tổ chức năm 2018: “App có đăng giá sản phẩm nhưng giá bị gạch đi, mình hiểu là giá trước khi giảm.

 

Tuy nhiên, giá sau giảm là bao nhiêu lại không ghi. Ngoài ra, mình mua 1 sản phẩm link đến trang Yes24 có báo áp dụng mã giảm giá mình nhập mã mà chẳng được giảm gì. Cảm giác bị lừa đảo để lấy thông tin khách hàng”.

 

Không chỉ lo ngại về giá mà nhiều người dùng năm 2018 cho biết, họ rất bức xúc khi tải app chương trình. Bởi thực tế không ít người dùng cho biết việc tải app quá khó, app bố trí loạn mắt quá khó hiểu, nhập code QR lằng nhằng mà luôn bị báo lỗi. Nhiều người còn kêu gọi không nên tải app về vì không thể sử dụng được, cứ quay tròn, đăng ký account OTP 2 tiếng không gửi, tải về chỉ mất thời gian với đem bực vào người...

 

Chia sẻ trên trang Online Friday của ban tổ chức năm 2018, nickname QuynhLienDo bức xúc: “App tệ nhất mọi thời đại. Giao diện như coppy của Shopee. Mọi thứ cứ quay vòng vòng không thể nào dùng được app”. Chính vì thế, tính đến ngày 21/10/2019, chỉ mới có hơn 10.000 lượt tải app trên ứng dụng Google Play, trong khi đó, ban tổ chức Online Friday năm 2019 kỳ vọng sẽ có 300.000 lượt tải app. Liệu Online Friday năm 2019 có lặp lại những điều trên là câu hỏi mà nhiều người dùng băn khoăn đặt ra?./.

 

Theo VOV.VN